Đường Quảng Ngãi đi vay hơn 2.800 tỷ đồng, ai là chủ nợ lớn nhất?

Tính đến cuối tháng 6/2023, chủ thương hiệu Vinasoy dù mang hơn 5.000 tỷ đồng đi gửi ngân hàng nhưng lại phải tăng cường đi vay ngắn hạn hơn 2.800 tỷ đồng.

Đường Quảng Ngãi đi vay hơn 2.800 tỷ đồng, ai là chủ nợ lớn nhất? - Ảnh 1

Tăng cường đi vay ngắn hạn

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Bức tranh tài chính của Đường Quảng Ngãi tương đối sáng với sự tăng trưởng rõ nét về doanh thu và lợi nhuận, tuy nhiên, cách phân bổ nguồn vốn của Đường Quảng Ngãi cũng rất đặc biệt.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/6/2023, Đường Quảng Ngãi ghi nhận tổng tài sản đạt 11.832 tỷ đồng tăng 15% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 85% lên 1.756 tỷ đồng. Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn với 5.504 tỷ đồng, chiếm 47%. Trong nửa đầu năm nay, Đường Quảng Ngãi nhận về hơn 153 tỷ đồng tiền lãi.

Dù mang hàng nghìn tỷ đồng tiền nhàn rỗi đi gửi ngân hàng lấy lãi, ghi nhận doanh thu tài chính từ các khoản lãi tiền gửi, nhưng Đường Quảng Ngãi lại phải đi tăng cường vay nợ ngắn hạn.

Đường Quảng Ngãi đi vay hơn 2.800 tỷ đồng, ai là chủ nợ lớn nhất? - Ảnh 2

Theo đó, cuối quý II/2023, tổng nợ vay tài chính của công ty gần 2.861 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Đường Quảng Ngãi là BIDV với khoản vay 1.266 tỷ đồng, tiếp theo là Vietinbank với 834 tỷ đồng, Vietcombank là 760 tỷ đồng.

Việc tăng cường đi vay nợ ngắn hạn khiến chi phí lãi vay gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty phải trả gần 88 tỷ đồng lãi vay, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ghi nhận về lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cũng cho thấy Đường Quảng Ngãi nhận thêm 2.934 tỷ đồng từ các khoản vay trong kỳ, đồng thời cũng đã phải chi ra tới 1.970 tỷ đồng trả nợ gốc vay, chi 753 tỷ đồng trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Tại thời điểm cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu đạt 7.730 tỷ đồng, bao gồm 3.935 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Lợi nhuận cao kỷ lục tính theo quý

Về kết quả kinh doanh, trong quý II/2023 Đường Quảng Ngãi ghi nhận 3.152 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng 40% lên 2.155 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng tăng nhẹ từ 30% lên 32%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 96% lên 92 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 104% lên 51 tỷ đồng. Các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp không thay đổi nhiều so với quý II/2022.

Trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế của Đường Quảng Ngãi đạt 712 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ. Đây là quý ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay.

Giải trình về kết quả kinh doanh này, phía công ty cho biết nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng sức mua vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, vì vậy sản lượng tiêu thụ các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo... có giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí nên lợi nhuận các sản phẩm này vẫn giữ mức xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, một số sản phẩm của công ty vẫn duy trì tình hình sản xuất ổn định và ghi nhận mức tăng trưởng cao như sản phẩm đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%; điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35%, doanh thu tăng 39%, nha có sản lượng tiêu thụ tăng 13%, doanh thu tăng 14%.

Trong thời gian qua công ty đã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía, dây chuyền sản xuất đường đã đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát đối với đường nhập lậu cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh đường của công ty đạt hiệu quả cao so với cùng kỳ.

Đường Quảng Ngãi đi vay hơn 2.800 tỷ đồng, ai là chủ nợ lớn nhất? - Ảnh 3

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Đường Quảng Ngãi ghi nhận 5.282 tỷ đồng doanh thu, 1.028 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 32% và 90% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, mảng kinh doanh các sản phẩm đường mang lại nguồn thu chính, đem về gần 2.220 tỷ đồng (trung bình thu hơn 12 tỷ đồng/ngày), đóng góp 43% tổng doanh thu, con số này được cải thiện mạnh trong khi cùng kỳ năm ngoái mảng đường chỉ đem về 22%.

Theo sau là mảng sữa đậu nành, sản phẩm này mang lại 1.978 tỷ đồng doanh thu, chiếm 38%; còn lại hơn 18% doanh thu đến từ các hoạt động kinh doanh khác.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành 63% kế hoạch về doanh thu và vượt 2% chỉ tiêu về lợi nhuận.

Đường Quảng Ngãi được biết đến là công ty mẹ của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) – nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam với thương hiệu nổi tiếng Fami.

Đường Quảng Ngãi còn có nhiều công ty con, nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong những mảng khác nhau, bao gồm Nhà máy bia Dung Quất, Nhà máy bánh kẹo Biscafun, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, Trung tâm Giống Mía, và các nhà máy liên quan các sản phẩm đường như Đường An Khê, Đường Phổ Phong, nhà máy Nha….

     

Nguyễn Thu Huyền

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục