Sáng sớm ngày 01/07/2015 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức tuyên bố Hy Lạp đã không thể trả khoản vay 1,5 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD) đúng hạn vào ngày 30/6 và chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp bị vỡ nợ.
"Tôi xác nhận là khoản vay 1,2 tỷ SDR (tương đương 1,5 tỷ euro) đã không được Hy Lạp thanh toán với IMF đúng hạn vào ngày 30/6. Ban Giám đốc Quỹ chính thức thông báo Hy Lạp rơi vào trạng thái nợ quá hạn và chỉ có thể được cung cấp tài chính trở lại một khi trạng thái nợ này được giải toả", ông Gerry Rice, Giám đốc Truyền thông IMF cho biết.
Tuyên bố này của IMF đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của quỹ cho tới khi thanh toán xong nghĩa vụ nợ cũ.
Những diễn biến tiêu cực này đã khiến cho người dân Hy Lạp hoang mang lo sợ và đổ xô đến máy ATM để rút ra càng nhiều tiền càng tốt. Trong khi đó các ngân hàng của Hy Lạp đang phải đóng cửa, ATM đang dần “trống trơn”.
Với thói quen mang thẻ tín dụng hoặc ghi nợ thay cho tiền mặt, nhiều du khách quốc tế đang trong tình trạng “sống dở chết dở” tại Hy Lạp khi các máy ATM nước này cạn tiền.
Du khách nước ngoài “cháy túi” vì Hy Lạp vỡ nợ
Theo Emile Fitzsimmons, sinh viên 24 tuổi, học ngành luật tại London (Anh), cho biết cô không thể rút được tiền bởi máy ATM duy nhất tại nơi cô ở đã cạn hết tiền.
Một bất tiện khác đối với những khách đang đi nghỉ ở Hy Lạp là các cửa hàng và một số doanh nghiệp chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Theo Kerry Carter khách du lịch cho hay hiện cô đang rất lo lắng vì không thể rút được tiền trong khi cô chỉ mang theo 140 USD tiền mặt.
“Chúng tôi thật sự lo lắng khi đến nơi”, cô Carter nói. Cô còn cố gắng trả tiền taxi bằng thẻ tín dụng, nhưng tài xế chỉ cười lớn.
Trước giờ Hy Lạp luôn là một quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch, đây cũng là một trong những nguồn thu lớn cho ngân sách của nước này.
Tuy nhiên theo ông Elman Vasileios - người sáng lập hãng Majestic Travel - cho hay với lượng tiền mặt khan hiếm như hiện naykhiến khách nước ngoài cảm thấy bất tiện và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của hãng này. Cụ thể ông cho biết chỉ trong tuần vừa qua, công ty của ông đã phải hủy khoảng 1.500 tour đến Hy Lạp.
Theo các chuyên gia nhận định, với những diễn biến như hiện tại đang khiến khách quốc tế sợ hãi, càng nhiều người hủy chuyến sẽ càng khiến tình hình kinh tế của Hy Lạp xấu thêm.
Anh Công (TH theo VnExpress; Trí thức trẻ; Thanh Niên)