Ngày 25/8/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3516 phê duyệt bổ sung đưa dự án "Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận" với công suất 16 triệu tấn/năm vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.
Vùng biển Cà Ná, nơi tỉnh Ninh Thuận chấp thuận cho Tập đoàn Hoa Sen đầu tư nhà máy chế biến thép Ảnh: NLĐ
Dự án do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai dự án theo năm giai đoạn từ 2017 đến 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 10 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019. Dự kiến trong giai đoạn 1, khu liên hợp này sẽ đưa vào vận hành 3-4 lò cao, mỗi lò có công suất 1,5 triệu tấn thép/năm. Dự kiến đến năm 2020, tổ hợp thép cán của Hoa Sen sẽ cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thép. Tổng số lò cao dự kiến của toàn dự án lên tới 10 lò.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện chưa thể tin tưởng vào khả năng kiểm soát tác hại môi trường của Việt Nam trong các dự án như thế này. “Các DN có thể có tiền để đầu tư nhưng liệu có người đủ trình độ để kiểm soát về tác hại môi trường cũng như giám sát một nhà máy với công nghệ hiện đại hay không? Còn nếu yêu cầu thiết bị có thể kiểm soát được môi trường thì sẽ rất đắt và khó cạnh tranh về mặt kinh tế. Tôi lo môi trường hơn nhiều so với số phận của một DN. Tôi cho rằng mất mát của DN cũng là thiệt hại tài sản và mất mát của xã hội nhưng mất mát về môi trường thì như ta biết qua vụ Formosa, nó lớn hơn nhiều lắm so với mất mát của một DN” - bà Lan băn khoăn.
Cũng theo bà Lan, Việt Nam đã vấp phải thảm họa của Formosa rồi thì không nên để bất cứ một thảm họa nào khác xảy ra nữa. Bài học còn đang nóng hổi như vậy thì không nên sẵn sàng chấp nhận một dự án khác tương tự.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GS Nguyễn Mại cũng đặt nghi vấn: “Trên thế giới, khâu đánh giá tác động môi trường được coi trọng nhưng không quan trọng bằng việc theo dõi trong xây dựng, bắt đầu đưa vào vận hành. Liệu với dự án của Hoa Sen có thể thực hiện được điều đó không?”
Formosa, với những ưu đãi cực lớn, chỉ qua một đoạn chạy thử đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường với hàng trăm ngàn người thất nghiệp và hàng triệu người bị ảnh hưởng; cách Cà Ná chỉ 10 km là nhiệt điện Vĩnh Tân mới giai đoạn đầu hoạt động đã khiến những người dân Tuy Phong (Bình Thuận) phải sống chung với bụi xỉ. Những phản ứng thái quá khiến hàng chục người dân đã vướng vòng lao lý.
Vì thế, người ta không thể không quan tâm về dự án thép của Hoa Sen với tổng công suất tối đa 16 triệu tấn/năm, bằng 80% dự án Formosa.
Ông Lê Phước Vũ tuyên bố sẽ giao hết tài sản cho Nhà nước nếu để xảy ra ô nhiễm. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của ông Vũ nhưng nó lại khiến nhiều người lo ngại. Đã có ý kiến cho rằng tuyên bố của ông Vũ mang tính đánh cược. Mà không người dân nào lại muốn lấy môi trường sống của mình ra đánh cược cả, dù là cược với toàn bộ tài sản của ông Vũ.
Thu Hà (TH theo Pháp luật TPHCM, NLĐ)