Tại ĐHCĐ thường niên 2022, Eximbank (Mã CK: EIB) mới đây, cổ đông EIB đã chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở Eximbank tại số 7, đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM, còn được biết với tên gọi khác là dự án Tháp Eximbank.
Tại phiên họp thường niên vừa qua, nhiều cổ đông kỳ vọng Eximbank sẽ có một trụ sở khang trang, không cần thuê. Tuy nhiên, một số cổ đông cũng bày tỏ quan điểm bất bình với việc dự án liên tục có những thay đổi trong những năm qua. Ngân hàng phá bỏ tòa nhà cũ ở số 7 Lê Thị Hồng Gấm, sau đó phải đi thuê lại mặt bằng của Vincom Center (quận 1) với chi phí đắt đỏ.
Lãnh đạo Eximbank cho biết hiện ngân hàng chưa có trụ sở chính và vẫn phải đi thuê trụ sở khiến ngân hàng khó ổn định hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh. Ngân hàng phải chi hơn 31 tỷ đồng mỗi năm để thuê trụ sở nhưng bị hạn chế diện tích, không gian. Trong khi đó, khu đất tại đường Lê Thị Hồng Gấm đang để không.
Ngân hàng sẽ đầu tư xây dựng dự án Tháp Eximbank bằng 100% nguồn vốn tự có. HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) có nhiệm vụ triển khai công tác lập và trình phê duyệt quy hoạch, lập và trình phương án kiến trúc, lập báo cáo đầu tư xây dựng tòa nhà Eximbank phù hợp với chủ trương đầu tư của ngân hàng và quy hoạch của TP HCM để trình ĐHCĐ trong những kỳ đại hội tiếp theo để phê duyệt trước khi thực hiện.
Trước đó, ĐHCĐ thường niên Eximbank năm 2021 lần hai, cổ đông đã phủ quyết việc chấp thuận đầu tư dự án Trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm. Điều này đồng nghĩa với việc dự án vẫn chưa thể "hồi sinh" mặc dù đã "đắp chiếu" hơn 10 năm.
Theo tìm hiểu, dự án Trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP Hồ Chí Minh được triển khai trên diện tích đất hơn 3.500 m2, khu đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đều đứng tên ngân hàng này, khu đất được định giá 240 tỷ đồng (theo giá trị tài sản trên sổ sách kế toán tại thời điểm đó).
Ban đầu, dự án được phê duyệt với chức năng là văn phòng, khách sạn, căn hộ với chiều cao tối đa 163 m gồm 40 tầng và có kế hoạch triển khai từ đầu năm 2011. Tháng 7/2011, dự án được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận cho điều chỉnh chức năng chỉ tiêu quy hoạch khu đất thành văn phòng, khách sạn, căn hộ với mật độ xây dựng 52%, hệ số sử dụng đất tối đa bằng 15 lần, chiều cao tối đa là 163m.
Sau khi dự án được điều chỉnh, ngày 18/7/2011, HĐQT Eximbank đã ban hành nghị quyết về việc triển khai xây dựng dự án Tháp Eximbank. Đến tháng 12/2012, Eximbank đã ký hợp đồng với công ty Nikken Sekkei Ltd để tư vấn thiết kế dự án. Đầu năm 2013 HĐQT Eximbank đã có quyết định về việc phê duyệt tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là hơn 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó, đến tháng 2/2014, Eximbank lại phát đi thông báo gửi đến các đơn vị tư vấn yêu cầu tạm dừng thực hiện dự án, và đến đầu năm 2015 ra quyết định tạm thời chưa triển khai dự án. Dù trước đó, phía Eximbank đã chi để thực hiện dự án gần 200 tỉ đồng và còn hơn 21 tỉ đồng dự kiến phải trả cho các nhà thầu.
Đến 2016, Eximbank đã "bắt tay" với Savills để đơn vị này tư vấn hình thức đầu tư hiệu quả nhất, sau đó lựa chọn phương án đầu tư theo hình thức ngân hàng chỉ góp vốn là giá trị phần đất và không góp tiền triển khai dự án. Sau đó, Savills đã tìm được 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi thư bày tỏ quan tâm, trong đó có một số đơn vị như Coteccons, Ben Thanh Land, Vina Capital, Mitsubishi Estate Asia, Taisei Corporation, Keppel Capital, Kusto...
Năm 2017, Eximbank tiếp tục đổi phương án dựa trên đề xuất đầu tư của Savills. Ngân hàng thống nhất đầu tư tòa tháp văn phòng 40 tầng, tham gia dưới hình thức chỉ góp vốn là giá trị đất và không góp tiền.
Năm 2018, Eximbank chấp thuận nhà đầu tư Mitsubishi Estate Asia là ưu tiên số một, ưu tiên số hai là Taisei Corporation, và thứ ba là Keppel Capital. Nhà đầu tư Mitsubishi Estate Asia đã đưa ra phương án tính giá trị đất khoảng 111 triệu USD, tổng chi phí xây dựng 114,4 triệu USD (tổng cộng khoảng hơn 5.000 tỷ đồng).
Diện tích sàn sử dụng phân bổ cho Eximbank là 18.647 m2, chiếm tỷ lệ 49,2% tòa nhà, thời gian phát triển dự án khoảng 48 tháng. Eximbank cho biết, ban điều hành đã có văn bản xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước về phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất và phân chia sản phẩm, song đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa trả lời.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cho biết phương án đầu tư được ĐHCĐ năm 2017 thông qua báo cáo triển khai dự án Tháp Eximbank, dự án hoạt động kinh doanh bất động sản làm mất đi quyền sở hữu lâu dài của Eximbank với lô đất và không phù hợp với giấy phép hoạt động của ngân hàng, do đó dự án không thể tiếp tục được triển khai.
Có thể thấy, sau tuyên bố tạm dừng, đã nhiều lần Eximbank muốn "hồi sinh" dự án này, tuy nhiên hiện dự án Trụ sở Eximbank vẫn hoang tàn khi mọi nỗ lực tái khởi động dự án đều chưa đem lại kết quả khả quan.
Đến nay, Eximbank đã quyết định “hồi sinh” dự án này khi được đại hội cổ đông thường niên 2022 thông qua chủ trương triển khai dựng. Tuy nhiên, để đi đến bước chính thức khởi công xây dựng, vẫn là cả một quá trình dài đối với Eximbank.
Sở hữu trid tuệ
In bài viết