Dự án nhiệt điện tỷ USD “đắp chiếu”: Một doanh nghiệp tư nhân từng ngỏ ý xin làm

Tại dự án nhiệt điện với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD đang nằm “đắp chiếu” vì thiếu vốn do chủ đầu tư là TKV không đáp ứng nhu cầu vốn để triển khai dự án đúng tiến độ, cũng đã có doanh nghiệp tư nhân ngỏ ý xin đầu tư vào dự án này.

Dự án nhiệt điện tỷ USD “đắp chiếu”: Một doanh nghiệp tư nhân từng ngỏ ý xin làm - Ảnh 1
Công trình Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vẫn nằm bất động sau gần 3 năm khởi công.
Loay hoay thu xếp vốn

Như Dân trí đưa tin trước đó, hồi tháng 10/2015, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và UBND tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức Lễ Động thổ Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 với tổng mức vốn đăng ký lên tới khoảng 2,2 tỷ đô la Mỹ, dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành năm 2020.

Công trình Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 được xác định là dự án quan trọng, dự kiến sau khi đi vào vận hành sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh/năm, góp phần nâng cấp điều kiện hạ tầng phát triển kinh tế để thích ứng với tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt mức cao từ nay đến năm 2030 của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.

Tuy nhiên, gần 3 năm sau lễ khởi công hoành tráng, dự án vẫn nằm bất động. Hệ quả là 200 hộ dân ở xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, Nghệ An rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” vì nằm trong vùng quy hoạch xây dựng nhà máy.

Được biết, liên quan tới dự án này, trong báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, tổ hợp do TKV đề xuất (TKV, SAMTAN, KOSPO) vẫn chưa đưa ra được phương án khả thi để thực hiện dự án khi không được Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ.

Đặc biệt, một trong những đối tác của TKV là nhà đầu tư KOSPO vẫn mong muốn được Chính phủ bảo lãnh hoặc nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam để có thể thu xếp vốn thành công.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay các Tập đoàn kinh tế nhà nước (EVN, TKV, PVN) cũng rất khó khăn để có thể thu xếp vốn vay thành công cho dự án nhiệt điện quy mô 1.200MW nếu không được Chính phủ bảo lãnh.

“Vì vậy, chưa có đủ cơ sở vững chắc để khẳng định tính khả thi của việc Công ty Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có thể thu xếp vốn cho dự án mà không có bảo lãnh Chính phủ”, Bộ Công Thương cho hay.

Doanh nghiệp tư nhân ngỏ ý đầu tư

Trong khi TKV không đáp ứng nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ, đã có một doanh nghiệp tư nhân nhiều lần ngỏ ý muốn xin đầu tư vào dự án này.

Bộ Công Thương đã có các công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một trong các phương án, trong đó có phương án giao Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho Tập đoàn Geleximco thực hiện.

Báo cáo về khả năng thu xếp vốn, nhà đầu tư này cho biết “Với dòng tiền hình thành vốn chủ sở hữu lên đến hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2018, tăng lên trong các năm tiếp theo và sẽ được ưu tiên thực hiện dự án Quỳnh Lập 1”.

Theo các chuyên gia, một dự án điện được đưa vào hoạt động không chỉ giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực trạng nền kinh tế hiện nay cho thấy cần tin tưởng và trao cơ hội cho các tập đoàn tư nhân Việt Nam để họ chủ động “lập trình” việc đầu tư dự án theo đúng tiến độ và yêu cầu về công nghệ, môi trường mà Chính phủ đặt ra. Có như vậy, mới nhanh chóng gỡ được những “điểm nghẽn” về đầu tư năng lượng đang rất cấp thiết hiện nay.

Chia sẻ về việc huy động nguồn lực xã hội cho các dự án trọng điểm, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, , Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Việc huy động vốn xã hội, nguồn vốn đầu tư rất quan trọng. Nếu bây giờ Chính phủ không cần bảo lãnh cho các doanh nghiệp mà họ tự bỏ vốn ra đấy là việc rất tốt, chúng ta cần khuyến khích việc đó. Chứ việc gì Chính phủ cũng bảo lãnh khi có rủi ro thì nợ công sẽ tăng lên. Việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các dự án mà nhà nước đã nghiên cứu, quyết định cần thiết phải đầu tư, đặc biệt là dự án lớn, dự án trọng điểm, dự án có lợi cho nền kinh tế quốc dân là vấn đề hết sức quan trọng cần phải khuyến khích”.

Trong chiến lược phát triển ngành điện, đến năm 2020, phải nâng công suất lên 43.000 MW, đến năm 2030 là 60.000 MW, nên chăng cần xem xét chủ trương giao lại các dự án cho tư nhân, đặc biệt là các chủ đầu tư có đủ năng lực triển khai không cần bảo lãnh Chính phủ. Qua đó, không chỉ giải phóng gánh nặng cho doanh nghiệp nhà nước, mặt khác tạo cơ chế thu hút vốn tư nhân, vốn nước ngoài để phát triển kinh tế.

Phương Dung/Dantri

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục