Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đã lên tiếng bật mí về thương vụ mua bán sáp nhập của ngân hàng này với ABBank.
Cụ thể vị CEO này cho biết, việc mua bán, sáp nhập là xu hướng chung của ngành ngân hàng và cũng là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt được mục tiêu đến 2017 chỉ còn khoảng 20 ngân hàng lớn và mạnh về tiềm lực tài chính. Do vậy việc tìm kiếm đối tác để sáp nhập, hợp nhất để trở thành một ngân hàng lớn mạnh là thực sự cần thiết.
Thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng nhà nước, hiện DongA Bank cũng đang tìm kiếm đối tác sáp nhập.
DongA Bank có sáp nhập với ABBank?
Trong thời gian qua, đã có nhiều ngân hàng tìm đến DongA Bank ngỏ ý muốn thực hiện sáp nhập. Tuy nhiên hiện ngân hàng vẫn đang phải tìm hiểu dựa trên quan điểm đối tác nào thực sự quan tâm đến DongA Bank và có thể cùng nhau mang lại sự phát triển bền vững thì sẽ được lựa chọn. Khi nào tìm được đối tác chiến lược phù hợp thì mới quyết định sáp nhập và còn phải chờ Đại hội cổ đông thông qua.
Ngoài ra ông Bình còn lên tiếng khẳng định đúng là vừa qua ABBank đã đến tìm DongA Bank và đưa ra đề nghị nếu sáp nhập sẽ giữ lại tên của DongA Bank. Nhưng đây mới là về mặt chủ trương, còn nhiều vấn đề khác cần phải triển khai trước khi quyết định có sáp nhập với nhau hay không. Thêm vào đó, một khi Hội đồng quản trị của DongA Bank chưa trình qua Đại hội cổ đông vấn đề này thì đó vẫn là một câu chuyện còn dài.
Trong cuộc họp Đại hội cổ đông sắp tới của DongA Bank ngân hàng này sẽ có câu trả lời rõ nhất cho thương vụ sáp nhập vào ABBank này.
Trước đó trong cuộc trao đổi với phóng viên ông Cao sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á Bank cũng đã cho biết hiện DongA Bank và An Bình Bank đang quan tâm đến nhau nhưng hiện nay vẫn chỉ đang trong giai đoạn tìm hiểu nên mọi đồn đoán về sáp nhập đều là chưa chính thức.
“Hai ngân hàng sáp nhập lại với nhau thì điều quan trọng nhất là tương đồng về văn hóa. Muốn sáp nhập với một đối tác nào đó thì phải tìm hiểu kĩ về đối tượng, tìm hiểu về nhân sự, văn hóa, tình hình kinh doanh... để có thể sẽ dung hòa được những điểm chung, giải quyết mâu thuẫn. Như vậy việc sáp nhập mới mang lại nhiều cơ hội hơn, mạng lưới khách hàng rộng hơn…” – T.S Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.
Hoàng Anh (TH theo ĐTCK; VnExpress; NDH)