Dòng tiền đang chảy mạnh vào những kênh nào?

Theo thống kê cho thấy, tiền đang chảy mạnh vào hai lĩnh vực, bất động sản và ngân hàng.

Tại Hà Nội từ đầu năm đến nay theo thống kê từ các sàn giao dịch BĐS đã có 2.300 giao dịch thành công (riêng quý I/2014 là 1.500 giao dịch tăng gấp 2 lần cùng kỳ). Trước đo, vào quý IV, khoảng 3.000 giao dịch bất động sản thành công cao gấp 4 lần quý I của năm 2013.

Ở Tp.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2014 đã có khoảng 1.300 giao dịch thành công (tương đương cùng kỳ năm 2013). Một số dự án có mức giá từ 13 triệu đồng/m2 đến 21 triệu đồng/m2 và có diện tích nhỏ và vừa (từ dưới 70m2 đến 90m2) được nhiều khách hàng quan tâm.

Dòng tiền đang chảy mạnh vào những kênh nào? - Ảnh 1

Thị trường khởi sắc, lượng giao dịch tăng, hàng tồn kho giảm, nên một số dự án tiếp tục đưa sản phẩm ra chào bán thị trường, như các dự án Times City, dự án Thăng Long Victory của Công ty Phúc Hà,dự án Khu nhà ở Xuân Phương của Viglacera, dự án Viện 103 Văn Quán của Công ty CP đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7, dự án CT1 Trung Văn của Vinaconex 3, dự án 136 Hồng Tùng Mậu do EZ Việt Nam và VUD phân phối…

Một số dự án dù mới được mở bán ra thị trường nhưng đã có tỷ lệ giao dịch thành công cao như dự án 103 Văn Quán đến nay đã có khoảng 250 căn hộ có chủ trên tổng số 384 căn được chào bán, dự án 136 Hồ Tùng Mậu bán thành công khoảng hơn 200 căn trên tổng số 300 căn được chào bán, dự án Mullbery Lane có 40 giao dịch, dự án Văn Phú Victory có 400 giao dịch, dự án Ao Sào có 200 giao dịch…

Theo nhận định của một Giám đốc sàn BĐS trên địa bàn Hà Nội, hiện dòng tiền mới đang có xu hướng “chảy” vào BĐS, dòng tiền này có thể từ thị trường chứng khoán rút ra. Thị trường chứng khoán đang có xu hướng hiện thực hóa lợi nhuận, sau thời gian dài tăng điểm, có lãi nhà đầu tư thường hiện thực từ “tiền trên giấy” để đi mua bất động sản.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá nhà trong 4 tháng đầu năm 2014 đã đã có dấu hiệu chững lại, không giảm tiếp, thậm chí một số dự án có vị trí tốt, diện tích nhỏ giá có xu hướng tăng nhẹ. Bên cạnh đó một số dự án đất nền trước đây giá bị đẩy lên quá cao nay chủ đầu tư chủ động hạ giá xuống để có thể bán hàng. Tại những dự án xa trung tâm, nhiều nhà đầu tư nhỏ mua của chủ đầu tư vào thời kỳ giá cao trước đây, nay đã phải chịu lỗ hàng tỷ đồng nhưng vẫn rất khó bán.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, cùng với việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết nợ xấu được triển khai trong năm 2013 và đã phát huy tác dụng bước đầu, ...thị trường bất động sản năm 2014 sẽ có chuyển biến theo hướng tích cực. Năm 2014 sẽ vẫn diễn ra xu hướng điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, nguồn cung sản phẩm sẽ tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.

Bất động sản xa trung tâm, hạ tầng không thuận lợi sẽ vẫn ít có giao dịch. Các nhà đầu tư không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư các dự án không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc có lượng vốn vay lớn sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thậm trí sẽ phải rời bỏ thị trường, nhường thị trường cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng 3 phiên giảm mạnh từ đầu tuần đến nay, hơn 52.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD đã “bốc hơi”. Trong đó, sàn HOSE mất 44,8 nghìn tỷ và sàn Hà Nội mất 7,2 nghìn tỷ.

Ngoài ra, tiền cũng chảy lượng ko nhỏ vào ngân hàng, mặc dù lãi suất đang khá thấp và ngày càng có dấu hiệu giảm.

Dòng tiền đang chảy mạnh vào những kênh nào? - Ảnh 2

Số liệu vừa được Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho thấy, huy động vốn toàn ngành tiếp tục tăng so với đầu năm. Cụ thể, tính đến ngày 22/4, huy động vốn của toàn hệ thống tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 4,26%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%. Huy động vốn bằng VND tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 7,48%), cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn.

Việc huy động vốn VND tăng cao, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm được xem phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên.

Thanh khoản các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc cũng như nhu cầu thanh toán. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trong 4 tháng đầu năm, vốn khả dụng bằng VND của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định và dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc cũng như nhu cầu thanh toán. Vì thế, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn từ NHNN không nhiều.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, huy động vốn của Ngân hàng tăng trên 10% trong hơn 4 tháng qua.

Tương tự, Sacombank, OCB, VietA Bank cũng đạt mức tăng trưởng huy động vốn trên 10%. Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, mặc dù trần lãi suất tiết kiệm vừa được điều chỉnh xuống 6% đối với kỳ hạn tiền gửi từ 5 tháng trở xuống, song nguồn tiết kiệm vào ngân hàng vẫn khá dồi dào. Nguyên nhân là chứng khoán phục hồi chậm, trong khi vàng, ngoại tệ không có “sóng” lớn, nên gửi tiết kiệm được nhiều người dân lựa chọn.

 Lãi suất tiết kiệm giảm đã giúp các ngân hàng có điều kiện giảm chi phí. Vì vậy, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ phổ biến ở mức 7 - 8%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác là 9 - 10,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn.

Hiện lãi suất huy động của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 5,5 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 6 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng là 7,5 - 8,3%/năm. Vốn huy động dài ngày tăng dần khi xu hướng người dân chọn gửi tiết kiệm dài ngày nhiều hơn, cho dù lãi suất huy động giảm dần.

Thế nhưng, trước tình hình khó khăn hiện nay, đầu ra của dòng tín dụng vẫn rất hạn chế. Thực tế, các ngân hàng thương mại đã rầm rộ đưa ra các gói vốn để cho vay, với lãi suất được cho là ưu đãi, song tín dụng vẫn khó tăng.

Kết thúc quý I, tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn rất khó tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Tại ACB, huy động vốn tăng trưởng trên 4%, nhưng tín dụng tăng chưa tới 1%. Tương tự, tín dụng tại DongA Bank trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng gần 1%. Còn tại các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, như PGBank, Southern Bank…, tín dụng vẫn chưa thoát âm.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục