Đến sáng ngày 27/4, chính quyền Nepal cho biết hơn 2.500 người đã thiệt mạng sau trận động đất mạnh nhất ở nước này trong 81 năm qua, số người bị thương hơn 6.000 và được dự báo tiếp tục tăng lên.
Đống đổ nát sau thảm họa
Con số thương vong và thiệt hại về vật chất sau trận động đất 7,9 độ richter xảy ra vừa qua tại Nepal không ngừng tăng lên. Công tác cứu trợ sau thảm họa tiếp tục được tiến hành khẩn trương với sự tham gia của cộng đồng quốc tế.
Vụ việc xảy ra tại thung lũng Kathmandu, đông Nepal đã tàn phá đất nước Nepal, gây sạt lở nghiêm trọng trên núi Everest.
Dư chấn lớn sau động đất giữa Kathmandu và Everest cũng đã khiến tuyết tại dãy núi Himalaya sạt lở nghiêm trọng, nhiều người leo núi đã thiệt mạng và những người khác còn bị chôn vùi trong lớp tuyết.
Dư chấn đã làm rung chuyển các tòa nhà ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Các tàu ngầm trong thành phố đã ngừng hoạt động, tại các bệnh viện, nhân viên cũng như là bệnh nhân ùa ra đường vì với họ ở trong nhà vào thời khắc này rất nguy hiểm.
Hiện Chính phủ Nepal đang kêu gọi các nước cứu trợ để khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng tại nước này trong 81 năm qua.
Những nhân viên cứu hộ vẫn đang miệt mài dùng tay để đào bới đống đổ nát tìm người sống sót.
Bộ trưởng thông tin Nepal Minendra Rijal cho biết nước này đã mở một chiến dịch cứu hộ lớn cùng các kế hoạch khắc phục hậu quả.
“Có rất nhiều thứ cần phải làm. Đất nước tôi đang trong tình trạng khủng hoảng và chúng tôi mong nhận được hỗ trợ để vượt qua thảm họa” - ông nói.
Theo Reuters, các bệnh viện trên khắp Nepal đang chật vật cứu chữa những người bị thương. Việc thiếu các thiết bị hiện đại cũng khiến công tác tìm kiếm cứu hộ gặp khó khăn.
Một nạn nhân được kéo thoát khỏi đống đổ nát
Việc tìm kiếm dường như không thể đào bới sâu hơn bề mặt của đống đổ nát. Nhân viên Bệnh viện Bhaktapur là Ramesh Pohkarel nói: “Mọi thứ rất hỗn loạn”.
Ấn Độ là nước đầu tiên đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ. New Delhi đã đưa máy bay quân sự chở theo đội khắc phục hậu quả cùng các thiết bị y tế.
Các tổ chức nhân đạo khác nói đã sẵn sàng đến Nepal, đem theo nước sạch, đồ vệ sinh và thực phẩm trong khi Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Na Uy, Singapore, Úc, New Zealand, Sri Lanka và Pakistan cũng nói viện trợ và giúp đỡ.
Trung Quốc cũng cử đội cứu hộ và chó nghiệp vụ đến Nepal. Trận động đất tồi tệ nhất xảy ra ở Nepal vào năm 1934 khiến hơn 8.500 người chết.
Vào năm 1988, trận động đất mạnh 6,8 độ Richter ở phía đông Nepal cũng khiến 721 người thiệt mạng.
Trâm Anh