Thị trường không khoảng cách
Tiến sĩ Alan Phan từng nói : "Chỉ có 2 ngành mới đích thực là tương lai của kinh tế Việt Nam: ngành IT (Công nghệ thông tin) và ngành Nông nghiệp". Công nghệ thông tin là sân chơi sòng phẳng nhất, bình đẳng nhất để phát huy trí tuệ người Việt. Công nghệ thông tin cũng là thị trường không khoảng cách, không biên giới, nơi chất xám là thứ tạo ra tiền bạc, tạo ra giá trị.
FPT, tiền thân là một công ty chế biến thực phẩm, thực hiện công việc xuất nhập khẩu chuối khô, khoai, sắn… cho khối Đông Âu – Liên Xô. Vậy mà đến năm 1990, chỉ một năm sau khi có hợp đồng cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, FPT đã đổi tên thành Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ, đồng thời lấy tin học làm hướng kinh doanh cốt lõi của công ty. Những năm tiếp đó, FPT tiên phong trong phân phối máy tính tại Việt Nam từ năm 1994, tham gia vào lĩnh vực Internet năm 1997 và đến năm 1999 đã tiến ra thị trường nước ngoài với hướng đi chiến lược là xuất khẩu phần mềm.
Như vậy, cách đây tới 17 năm, FPT đã nhìn ra tiềm năng to lớn của thị trường nước ngoài.
![[Dòng chảy doanh nghiệp] Việt Nam sẽ sớm không còn là thị trường lớn nhất của FPT? - Ảnh 1 [Dòng chảy doanh nghiệp] Việt Nam sẽ sớm không còn là thị trường lớn nhất của FPT? - Ảnh 1](https://static.kinhdoanhnet.vn/common/no-image.png)
Cách đây 17 năm, FPT đã coi thị trường nước ngoài là thị trường chiến lược. Ảnh: FPT
Tính đến hết năm 2015, chỉ tính riêng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm đã đem về 4.104 tỷ đồng doanh thu và 634 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho FPT. Nên nhớ, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế trong tất cả các lĩnh vực của một "đại gia" công nghệ khác là Tập đoàn công nghệ CMC trong năm 2015 cũng "chỉ" đạt lần lượt 3.693 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, thấp hơn nhiều doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT.
FPT hiện đang hướng đến thị trường toàn cầu và hòa mình vào xu hướng Internet of Things – xu hướng đang dẫn dắt công nghệ thế giới kết nối 4 tỷ người với nhau, quy mô thị trường 4.000 tỷ USD. Vì rằng thị trường Công nghệ thông tin là không khoảng cách nên "miếng bánh" 4.000 tỷ USD này lúc nào cũng nằm trong tầm mắt của các doanh nghiệp Công nghệ thông tin toàn cầu, trong đó có FPT, vấn đề chỉ là họ có đủ chất xám để với lấy nó hay không.
Việt Nam sẽ sớm không còn là thị trường lớn nhất của FPT?
5 tháng đầu năm 2016, FPT đã ghi nhận 2.195 tỷ đồng doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng 36% và 313 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính ra, thị trường nước ngoài đã đem về 15% doanh thu và 30% lợi nhuận trước thuế cho FPT trong 5 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, tính đến hết năm 2015, thị trường nước ngoài đem về 12% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế cho FPT.
Có thể thấy, doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài đang ngày càng chiếm cơ cấu lớn hơn trong tổng doanh thu và lợi nhuận của FPT.
![[Dòng chảy doanh nghiệp] Việt Nam sẽ sớm không còn là thị trường lớn nhất của FPT? - Ảnh 2 [Dòng chảy doanh nghiệp] Việt Nam sẽ sớm không còn là thị trường lớn nhất của FPT? - Ảnh 2](https://static.kinhdoanhnet.vn/common/no-image.png)
Lợi nhuận từ thị trường nước ngoài chiếm 30% tổng lợi nhuận của FPT trong 5 tháng đầu năm 2016. Ảnh:
Một trong những định hướng chiến lược của FPT trong thời gian tới là vươn tới tập đoàn toàn cầu, trong đó, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ chiếm 30% tổng doanh thu vào năm 2020.
Nếu như 5 tháng đầu năm 2016, thị trường nước ngoài đem về 15% doanh thu và 30% lợi nhuận trước thuế thì đến năm 2020, doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ chiếm 30% tổng doanh thu, khi đó, nếu tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ thị trường trong nước và thị trường nước ngoài của FPT được giữ nguyên như hiện tại thì nhiều khả năng lợi nhuận trước thuế từ thị trường nước ngoài sẽ chiếm tương ứng khoảng 60% tổng lợi nhuận trước thuế của FPT. Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường nước ngoài sẽ chính thức soán ngôi thị trường Việt Nam để trở thành thị trường đem lại lợi nhuận lớn nhất cho FPT vào năm 2020.
Viễn cảnh này thậm chí còn có thể đến sớm hơn nếu như FPT tiến hành sớm việc bán một phần cổ phần của tập đoàn này ở mảng bán lẻ và phân phối sản phẩm công nghệ để dồn sức tập trung cho các mảng kinh doanh khác, trong đó có mảng công nghệ thông tin như tuyên bố của lãnh đạo FPT trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 diễn ra ngày 31/03. Tính đến hết năm 2015, mảng Bán lẻ và phân phối sản phẩm công nghệ chiếm tới 63% doanh thu và 25,5% lợi nhuận trước thuế của FPT, trong khi đó, thị trường của mảng này phần lớn là thị trường trong nước. Việc FPT bán một phần cổ phần tại mảng này không chỉ khiến tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của thị trường nước ngoài trong tổng doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này tăng lên mà một phần không nhỏ số tiền bán cổ phần còn được đầu tư để phát triển thị trường nước ngoài, nhất là lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, nhờ đó nhanh chóng gia tăng doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài rộng lớn.
Tùng Lâm