Doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung

Các tổ chức phát hành phải đăng ký giao dịch trái phiếu trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất của nhà đầu tư.

HNX phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa tổ chức Hội nghị phổ biến quy định về đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch (ĐKGD) trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) tập trung năm 2023.

Trên cơ sở hệ thống quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, lưu ký, ĐKGD TPDNRL đã từng bước được hoàn thiện trong thời gian qua, tại Hội nghị, đại diện Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã hướng dẫn chi tiết việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDNRL chào bán tại thị trường trong nước theo Thông tư 30/2023/TT-BTC.

Doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung.
Doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung.

Theo đó, TPDNRL phải được đăng ký, lưu ký tập trung tại VSDC theo quy định tại khoản 12 Điều 1, điểm c khoản 3, khoản 5 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Nhà đầu tư (NĐT) có nhu cầu giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDNRL, thành viên lưu ký phải đăng ký với VSDC thông tin tài khoản lưu ký của NĐT đã cập nhật theo quy định tại Thông tư 119 và thông tin bổ sung theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 30/2023/TT-BTC.

Doanh nghiệp (DN) phát hành, VSDC, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm thực hiện quyền cho người sở hữu TPDNRL đã đăng ký tại VSDC theo quy định tại Luật Chứng khoán và các quy định pháp luật liên quan.

Các trường hợp thực hiện quyền đối với TPDNRL bao gồm: lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu; thanh toán gốc, lãi trái phiếu; chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi, hoán đổi trái phiếu; mua lại trước hạn và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 18 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định chế tài xử phạt đối với vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán, ĐKGD chứng khoán.

Về hoạt động đăng ký, lưu ký TPDN phát hành riêng lẻ tại VSDC áp dụng cho các TPDNRL được phát hành kể từ khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đại diện VSDC hướng dẫn tổ chức phát hành TPDNRL đăng ký trái phiếu tại VSDC trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày UBCKNN thông báo đã nhận được báo cáo kết quả chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, hoặc 05 ngày làm việc kể từ ngày DN phát hành công bố thông tin về kết quả chào bán theo quy định tại Điều 20 Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với các trường hợp không thuộc quy định nêu trên.

Tổ chức phát hành làm thủ tục đăng ký trái phiếu trực tiếp với VSDC hoặc thông qua công ty chứng khoán.

Về hoạt động ĐKGD TPDN phát hành riêng lẻ tại HNX, theo đại diện HNX, đối tượng là các DN phát hành TPDNRL kể từ khi Nghị định153/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và còn dư nợ.

Thời hạn thực hiện ĐKGD chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu của VSDC, DN phát hành TPDNRL phải thực hiện ĐKGD trái phiếu trên hệ thống giao dịch TPDNRL của HNX. Hồ sơ ĐKGD được quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP. DN ĐKGD chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ ĐKGD và các thông tin công bố...

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng Bộ Tài chính, hệ thống giao dịch đã góp phần tăng cường tính thanh khoản của thị trường đồng thời các dữ liệu trên hệ thống sẽ phục vụ công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với những vi phạm có thể phát sinh trên thị trường.

Tuy nhiên, đến hiện tại, giá trị TPDN riêng lẻ đăng ký giao dịch trên HNX chỉ đạt khoảng 5% tổng giá trị trái phiếu phải đăng ký trên thị trường. Ngoài ra, hiện còn nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu, chậm thực hiện nghĩa vụ trái phiếu đối với nhà đầu tư trong thời gian vừa qua.

Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2022 và 2023 và thường xuyên có các văn bản đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí, cân đối các nguồn lực tài chính để thanh toán bằng được nghĩa vụ trái phiếu với nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công an để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc vi phạm để sớm có phương án xử lý thanh toán tiền cho nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp có vi phạm trong thời gian qua.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục