Công ty Cổ phần Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex, UPCoM: LGM) vừa quyết định tạm ngừng hoạt động sản xuất gia công từ tháng 5/2025 nhằm giảm lỗ và giảm áp lực tài chính trong bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Theo thông báo từ công ty, việc dừng sản xuất sẽ kéo dài cho đến khi thị trường dệt may phục hồi và Legamex đủ nguồn lực để vận hành trở lại.
Legamex là công ty thành viên trong hệ thống của Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định, được thành lập từ năm 1986. Tiền thân là Xí nghiệp Giày da và May mặc xuất khẩu trực thuộc UBND Quận 10, TP. HCM, công ty ban đầu chuyên sản xuất gia công giày da và hàng may mặc xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước khác. Đến năm 2005, Legamex chính thức chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình hơn 30 năm hoạt động.
Quyết định ngừng sản xuất lần này không quá bất ngờ khi Legamex đã trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài. Từ cuối tháng 9/2022, công ty chịu ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi đơn hàng gia công tủ vải bị gián đoạn, một hệ quả từ vụ kiện giữa đối tác Gilimex và Amazon. Để đối phó với tình hình này, từ cuối năm 2023, Legamex chuyển hướng sang gia công hàng may mặc thời trang. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực và cơ sở hạ tầng, công ty chỉ có thể tập trung vào các đơn hàng nội địa, không đủ khả năng mở rộng ra thị trường xuất khẩu.
Đến cuối năm 2024, số lượng lao động của Legamex giảm mạnh, còn 202 người so với 270 đầu năm. Khó khăn về lương thưởng và phúc lợi đã khiến công ty gặp trở ngại lớn trong việc giữ chân và thu hút nhân sự mới. Bên cạnh đó, trang thiết bị sản xuất của Legamex phần lớn đã hơn 10 năm tuổi, thiếu tính cạnh tranh về công nghệ và năng suất, càng gia tăng gánh nặng chi phí sản xuất.
Trong bối cảnh này, Đại hội đồng cổ đông năm 2025 của Legamex đã thông qua kế hoạch mở rộng ngành nghề kinh doanh nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Theo đó, công ty sẽ bổ sung các lĩnh vực mới như kho bãi, lưu giữ hàng hóa, bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh. Đây được xem là nỗ lực nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn của ngành dệt may.
Nhìn lại tình hình hoạt động kinh doanh của Legamex, công ty đã lỗ liên tiếp trong 6 năm qua, đỉnh điểm là khoản lỗ kỷ lục gần 63 tỷ đồng vào năm 2023, tiếp tục lỗ hơn 33 tỷ đồng trong năm 2024.
Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của công ty đã vượt 166 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu vào tình trạng âm gần 79 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, mức lỗ năm 2024 đã giảm nhờ tiết giảm chi phí, thanh lý tài sản không hiệu quả và không còn phải trích lập nợ khó đòi như năm trước.
Đến cuối năm 2024, nợ phải trả của công ty tăng lên gần 158 tỷ đồng, dư nợ vay tài chính đạt 88.8 tỷ đồng, gấp 4.8 lần đầu năm.
Trong bối cảnh trên, Legamex vừa hoàn tất chào bán riêng lẻ 4.44 triệu cổ phiếu với giá 15,000 đồng/cp, thu về 66.6 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 118.4 tỷ đồng. Hầu hết lượng cổ phần này được mua bởi công ty mẹ - Công ty TNHH Dệt may và Thương mại Hà Nam, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 79%.
Ban đầu, số tiền huy động dự kiến phân bổ cho tiền thuê đất, lãi phạt và bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, kế hoạch đã được điều chỉnh: toàn bộ 66.6 tỷ đồng được dùng để thanh toán các khoản nợ vay tài chính. Cụ thể, công ty giữ nguyên khoản 18.5 tỷ đồng thanh toán nợ vay cũ, phần còn lại 48.1 tỷ đồng được phân bổ cho các khoản vay mới phát sinh trong năm 2024.
Các khoản vay này có lãi suất từ 6.2-8%/năm, kỳ hạn ngắn 2-6 tháng, phục vụ bổ sung vốn lưu động, trong đó có cả chi phí thuê đất. Legamex lý giải rằng trong thời gian chờ hoàn tất đợt phát hành, các khoản nợ phát sinh liên tục và đến hạn phải thanh toán nên cần ưu tiên xử lý ngay các nghĩa vụ cấp bách.
Vietnamfinance
In bài viết