Sau một thời gian liên tục điều chỉnh giảm, thời gian gần đây, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất trở lại. Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần mà ngay cả các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện nay cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Nhìn chung, các nhà băng này phần lớn tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân lãi suất tăng trong thời gian gần đây là do lãi suất huy động đang chạm đáy. Mặt khác các ngân hàng hiện đang đẩy mạnh cho vay trong khi nguồn vốn huy động chậm lại. Trong khi đó các ngân hàng lại không mặn mà với kênh huy động vốn từ trái phiếu.
Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương của ngân hàng Nhà nước là đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm nay, hiện các ngân hàng đang tăng cường bán nợ xấu cho VAMC, do đó thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng. Để tăng cường thanh khoản, các nhà băng này buộc phải tăng huy động vốn.
Doanh nghiệp lo sợ lãi suất cho vay tăng trở lại.
Với tình hình như hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại rằng, lãi suất huy động cứ tăng như hiện nay thì không sớm thì muộn lãi suất cho vay cũng sẽ lại quay đầu tăng trở lại.
Và nếu điều này xảy ra thì đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất là các doanh nghiệp. Đặc biệt là những khách hàng đã vay trong năm 2014 và hiện đến thời kỳ điều chỉnh lãi suất. Đây là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều không mong muốn.
Bởi ở Việt Nam hiện nay vốn kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào nguồn vay ngân hàng do đó vấn đề lãi suất tăng giảm sẽ quyết định sự sống còn của họ. Nhất là trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay thì lãi suất hạ dù là nhỏ nhưng cũng có thể “cứu” được rất nhiều doanh nghiệp thoát khỏi “cửa tử” và ngược lại.
Còn với những khách hàng đã thực hiện vay trong năm 2014, khi các ngân hàng ồ ạt tung ra các chương trình vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn thậm chí về mức 0%. Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất cho vay ưu đãi của các ngân hàng thường chỉ áp dụng 1-6 tháng đầu của hợp đồng. Sau đó lãi suất sẽ được điều chỉnh theo thị trường. Do đó sẽ có không ít khách hàng trong thời gian vay khi lãi suất thấp thì đủ khả năng chi trả nhưng khi lãi suất điều chỉnh tăng thì việc thanh toán lãi cho ngân hàng bị “đuối”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với mức lãi suất cho vay khoảng 7% thì doanh nghiệp sẽ có thể phát triển tốt, từ 8-9% thì vẫn trong ngưỡng doanh nghiệp có thể chịu đựng được, còn trên 10% như hiện nay thì rất khó khăn. Nếu như lãi suất còn tăng nữa thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải đứng trên bờ vực phá sản.
Anh Công (TH theo CAND; Tin tức; Thanh Niên)