Khó khăn "bủa vây" địa ốc
Thị trường bất động sản năm 2019 chứng kiến sự đóng băng của nhiều dự án, tình trạng lừa đảo bất động sản xuất hiện trên diện rộng, khiến cho niềm tin của khách hàng xuống đáy.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng khó khăn thị trường, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đó chính là những khó khăn liên quan tới pháp lý của dự án bất động sản.
Ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định: một trong số những khó khăn hàng đầu khiến thị trường bị đình trệ là hệ thống các văn bản pháp lý liên quan còn chưa đồng bộ. Các thủ tục hành chính, tiêu biểu là việc chậm trễ trong cấp phép của các cơ quan chức năng khiến nguồn cung và giao dịch bất động sản giảm đáng kể so với vài năm trước đây.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc tại TP. HCM đang thay đổi rất nhanh để bứt tốc trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.
Một khó khăn nữa mà nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp phải trong năm 2019 đó chính là khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn.
Nguồn vốn vào bất động sản đang ngày càng eo hẹp sau khi NHNN ban hành thông tư 22, trong đó giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30%, lộ trình từ 2020 đến 2022. Bên cạnh đó, các chương trình ưu đãi đã bắt đầu ít dần, vì vậy các nhà đầu tư bất động sản sẽ càng gặp khó khăn hơn nữa.
Một số báo cáo thị trường được công bố mới đây cũng chỉ ra tình trạng thị trường bất động sản phía Nam hiện nay đang lệch pha cung cầu nghiêm trọng. Tại TP.HCM lượng tin đăng chào bán bất động sản phần lớn đến từ phân khúc trung - cao cấp, chiếm gần 60% tổng cung chào bán của thị trường.
Trong khi đó, xét về lượng tìm kiếm bất động sản, loại hình nhà ở bình dân, vừa túi tiền lại chiếm đến 68% lượng quan tâm, chỉ khoảng 32% khách hàng tìm kiếm sản phẩm trung cao cấp.
Nhiều doanh nghiệp tìm hướng mới
Những khó khăn trên đây đã ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, nhiều công ty không thể có sản phẩm chào bán ra thị trường, hoặc chào bán nhưng không phù hợp với nhu cầu của người mua.
Theo thống kê của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Mới đây, tập đoàn Novaland đã phải gửi đơn cầu cứu tới bộ trưởng Bộ xây dựng, khi doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng vào dự án Khu dân cư Bình Khánh (diện tích 30,224 ha tại P.Bình Khánh, Q.2, TP.HCM) khoảng hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn không triển khai được do vướng mắc những vấn đề pháp lý chung liên quan đến Thủ Thiêm.
Tình hình kinh doanh tại các thị trường "truyền thống" không mấy khả quan, để thích nghi, nhiều doanh nghiệp địa ốc thực hiện những cú "bẻ lái" bất ngờ. Chẳng hạn Tập đoàn Hưng Thịnh, vốn từng là ông trùm căn hộ tại TP. HCM vài năm gần đây chuyển sang đầu tư vào đất nền vùng ven tại Biên Hòa (dự án Bien Hoa New City), thậm chí xa hơn tại Quy Nhơn (Bình Định) hay Nha Trang (Khánh Hòa). Hàng loạt doanh nghiệp lớn thời gian qua cũng tấn công mạnh mẽ vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, chào sân một loạt dự án mới tại Mũi Né, Phan Thiết, Hồ Tràm…
Bước sang năm 2020, bất chấp thị trường được dự án còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết đã tiến hành“khai xuân” sớm, lập kế hoạch mới thuộc mọi phân khúc, thích ứng với nhu cầu của khách hàng.
Cụ thể, chia sẻ mới báo chí mới đây, Himlam Land cho biết quay trở lại thị trường Tp.HCM sau 2 năm với việc chào bán 4.000 căn hộ chung cư tại 1 dự án trên địa bàn Qận 2, TP.HCM. Năm 2020 tập đoàn này cũng có kế hoạch tấn công phân khúc tầm trung khu vực như Đồng Nai - Biên Hòa, chủ yếu nhắm đến đối tượng người lao động và các chuyên gia làm việc tại đây. Trong khi đó, Tập đoàn Phú Long cũng cho biết tiếp tục hướng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Nha Trang và Phú Quốc.
Tương tự như xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp, mục tiêu mà Hưng Thịnh Corp nhắm đến là tiếp tục phát triển các dự án tầm trung nhằm thích ứng với nhu cầu của khách hàng, trong khi lượng cung lại thấp.
Dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ tiếp tục cạnh tranh rất khốc liệt, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ, cơ cấu lại sản phẩm hướng đến khách hàng có nhu cầu thực thì mới mong tồn tại được trong tình hình khó khăn hiện nay.
Hồng Sơn