Doanh nghiệp chây ì nợ thuế sẽ không được phép đăng ký tờ khai

(Kinhdoanhnet) – Các doanh nghiệp nợ thuế quá 90 ngày bị cưỡng chế sẽ không được phép đăng ký tờ khai hải quan.

Tổng cục Hải Quan vừa công bố thông tin cho biết, theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC về đăng ký tờ khai hải quan, trong trường hợp các doanh nghiệp nợ thuế quá 90 ngày bị cưỡng chế sẽ không đủ điều kiện được đăng ký tờ khai hải quan.

Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư 38/2015/TT-BTC có quy định rõ, thông tin trên tờ khai hải quan sẽ được Hệ thống tự động kiểm tra để đánh giá các điều kiện được chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan. Nội dung kiểm tra bao gồm: điều kiện để áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thời hạn nộp thuế theo quy định của Nhà nước…

Các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện này sẽ không được phép đăng ký tờ khai hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, theo quy định của Khoản 1 Điều 48 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, trong thời hạn giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đề nghị doanh nghiệp nợ thuế phải nộp đủ tiền thuế vào Ngân sách nhà nước theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tới 169 doanh nghiệp bị Cục thuế Hà Nội nêu tên vì nợ đọng thuế, tổng số tiền nợ đọng lên tới 3.280,9 tỷ đồng. Còn tại TP.HCM, Cục thuế cũng đã công bố danh sách 21 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên tới gần 298 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chây ì nợ thuế sẽ không được phép đăng ký tờ khai
Doanh nghiệp chây ì nợ thuế sẽ không được phép đăng ký tờ khai

Dự kiến danh sách doanh nghiệp nợ thuế này sẽ còn tiếp tục kéo dài, bởi theo yêu cầu của Bộ Tài chính, ba đầu mối là Cục Thuế Hà Nội, Cục thuế TP HCM và Tổng cục Thuế phải công bố tổng cộng 600 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, kéo dài, mỗi đơn vị 200 doanh nghiệp.

Tất cả các doanh nghiệp trên đều thuộc các đối tượng chây ì, các khoản nợ phải thu khó đòi đã quá 90 ngày. Số nợ thuế lớn, kéo dài, mặc dù ngành thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt nhưng vẫn không thu hồi được.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do suy thoái kinh tế, giao dịch Bất động sản chững lại; giá bất động sản bị đẩy cao hơn so với nhu cầu và giá trị thực vì vậy khi xảy ra diễn biến xấu, tình trạng vỡ nợ, chốn nợ, không trả được nợ xảy ra. Chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh… nợ đọng lẫn nhau.

Theo lãnh đạo của Cục Thuế Hà Nội cho biết với những trường hợp doanh nghiệp sau khi bị thông báo công khai mà vẫn không trả được nợ thuế, Cục Thuế sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế mạnh hơn như phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh… Đồng thời phối hợp với cơ quan công an để thực hiện điều tra và xử lý các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.

Anh Công (TH theo Hải Quan, BaoGiaothong; ĐTTC)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục