Điều chỉnh tỷ giá, ngân hàng lỗ, dân hết muốn găm giữ ngoại tệ

(Kinhdoanhnet) – NHNN điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối, triệt tiêu kỳ vọng tăng tỷ giá của thị trường, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Ngày 18/6, Thống đốc NHNN đã quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%).

Đại diện NHNN cho biết, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Điều chỉnh tỷ giá, ngân hàng lỗ, dân hết muốn găm giữ ngoại tệ - Ảnh 1

Trong những tháng đầu năm, các TCTD đã tăng cường bán ngoại tệ cho NHNN, nguồn ngoại tệ các TCTD bán cho NHNN không chỉ từ nguồn ngoại tệ mua được của doanh nghiệp và người dân mà còn bán âm trạng thái ngoại tệ của mình. Vì vậy, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ trên 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước trong 6 tháng đầu năm.

Số liệu tổng hợp từ các TCTD hiện nay cho thấy hệ thống đang có trạng thái ngoại tệ âm, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của hệ thống các TCTD.

Các ngân hàng như ACB, PGBank, Techcombank, VPBank là những ngân hàng có trạng thái ngoại tệ USD âm khá lớn, lỗ khoảng 167,69 tỷ đồng.

Ngược lại, các ngân hàng TMCP nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV hay một số ngân hàng khác như VIB, Đông Á, Sacombank lại có trạng thái ngoại tệ dương khá lớn. Tổng trạng thái ngoại tệ USD quy đổi của 8 ngân hàng này lên tới 35.939 tỷ đồng.

Tuy đây không phải là số liệu tại thời điểm điều chỉnh tỷ giá, cũng chưa phải là toàn cảnh hệ thống ngân hàng. Nhưng, với khẳng định của NHNN là trạng thái ngoại tệ của toàn hệ thống TCTD là âm, và các ngân hàng liên tục bán USD trong 6 tháng đầu năm, có thể dự báo con số “lỗ” của hệ thống ngân hàng có thể lớn hơn rất nhiều.

Sự kiện điều chỉnh tỷ giá cũng đã kích hoạt tâm lý găm giữ USD của thị trường, cầu ngoại tệ tăng mạnh rõ rệt, các ngân hàng thương mại nâng giá mua vào sát giá bán ra, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng lên mức kịch trần.

Tuy nhiên, nếu xét các cân đối vĩ mô và cung cầu trên thị trường ngoại tệ cho thấy VND chưa chịu nhiều sức ép phải mất giá, việc điều chỉnh lần này là để giải quyết tâm lý nắm giữ USD khi thị trường kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng.

5 tháng đầu năm, xuất siêu là 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD, lạm phát được kiềm chế và dự báo quanh mức 5% nên giá trị đồng VND vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Khi một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu ngoại tệ để kinh doanh sản xuất và các ngân hàng thương mại có nhu cầu mua USD để hoàn trạng thái, cầu ngoại tệ tăng mạnh, nhưng cung cầu trên thị trường vẫn chưa mất cân bằng, NHNN cũng chưa bán ngoại tệ ra để can thiệp trong suốt thời gian biến động hơn một tháng qua.

Trên thị trường tiền tệ, tình trạng dư thừa VND trên hệ thống khi tín dụng đầu ra ì ạch có thể gây áp lực lên tỷ giá, song NHNN cũng đã tăng lãi suất và phát hành thêm kỳ hạn trên kênh tín phiếu để hút tiền về.

Thực tế, sau khi điều chỉnh thỏa mãn kỳ vọng thị trường, ngay ngày hôm sau, sau biến động ban đầu, tỷ giá niêm yết tại các NHTM và thị trường tự do đã điều chỉnh và dần ổn định.

Các chuyên gia nhận định: "Rõ ràng, tâm lý nắm giữ ngoại tệ không còn mạnh mẽ như trước đây, và nguồn cung ngoại tệ dự đoán sẽ lại được khơi thông".

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục