Năm 2024 là một năm đầy khó khăn cho kinh tế toàn cầu khi các doanh nghiệp phải đối mặt với lãi suất tăng cao, chi phí nguyên liệu leo thang, và sự suy giảm trong chi tiêu người dân.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu CoreSight, tính tới đầu tháng 12, đã có 45 nhà bán lẻ nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm nay, so với 25 nhà bán lẻ phá sản trong cả năm 2023. Các nhà bán lẻ Mỹ đã công bố hơn 7.100 cửa hàng đóng cửa cho đến hết tháng 11/2024, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy số lượng hồ sơ phá sản của doanh nghiệp tăng 40,3%, từ 15.724 lên 22.060 đơn vị trong năm kết thúc vào ngày 30/6/2024.
Theo dự báo của Công ty dịch vụ tài chính Allianz (Đức), số doanh nghiệp phá sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng ít nhất 10% trong năm 2024, sau khi đã tăng khoảng 6% vào năm 2023.
Cùng VietnamFinance điểm lại những vụ phá sản và nộp đơn tái cấu trúc đáng chú ý nhất năm 2024:
Nhà sản xuất công nghiệp sinh khối Enviva phá sản
Vào tháng 3, Enviva, nhà sản xuất sinh khối gỗ lớn nhất thế giới cho năng lượng công nghiệp, đã tuyên bố phá sản. Sự sụp đổ thảm khốc đó đã gây ra một loạt các động thái chính trị và kinh tế ở Mỹ và ở châu Âu.
Enviva là nhà sản xuất hàng đầu về viên gỗ công nghiệp, một nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất bằng cách tập hợp một nguồn tài nguyên thiên nhiên, sợi gỗ, và chế biến thành dạng có thể vận chuyển, viên gỗ.
Enviva sở hữu và vận hành mười nhà máy tại Virginia, Bắc Carolina, Nam Carolina, Georgia, Florida và Mississippi, và đang xây dựng nhà máy thứ 11 tại Epes, Alabama.
Cụ thể, Enviva đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 tự nguyện lên Tòa án Phá sản Mỹ tại Quận phía Đông Virginia với hy vọng tái cấu trúc khoản nợ khoảng 1 tỷ USD của mình.
Enviva bắt đầu gặp khó khăn về tài chính vào năm ngoái. Trong báo cáo tài chính quý III/2023, Enviva đã mô tả cách các hợp đồng bán hàng mà công ty ký kết vào cuối năm 2022 “đã có tác động tiêu cực đáng kể đến lợi nhuận, dòng tiền và thanh khoản của công ty do chênh lệch giá mua và giá bán hiện tại âm của các thỏa thuận và khoản lỗ dự kiến khi bán lại các khối lượng đó trong môi trường định giá bất lợi trên thị trường giao ngay viên nén gỗ”.
Công ty cho biết nếu giá thị trường viên nén gỗ không tăng đáng kể và trong ngắn hạn, họ dự kiến các giao dịch năm 2022 sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến lợi nhuận, dòng tiền và thanh khoản cho đến năm 2025, cuối cùng khiến công ty vi phạm một số giao ước theo hạn mức tín dụng được bảo đảm cấp cao của mình.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 12 vừa qua, Enviva công bố sự thoát khỏi tình trạng phá sản theo Chương 11 thành công, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi chiến lược của công ty.
Kế hoạch tái tổ chức của Enviva đã được Tòa án phá sản Mỹ tại Quận phía Đông Virginia xác nhận, với sự ủng hộ áp đảo từ các bên liên quan chính và đối tác kinh doanh của công ty. Là một phần trong quá trình tái cấu trúc tài chính, Enviva đã cổ phần hóa hơn 1 tỷ USD nợ và Quỹ American Industrial Partners Capital Fund VIII (“AIP”) đã trở thành cổ đông lớn nhất của công ty.
Chuỗi nhà hàng hải sản Red Lobster nguy cơ đóng của
Red Lobster là một thương hiệu mang tính biểu tượng của Mỹ. Thương hiệu này đã mang hải sản đến nhiều nơi tại Mỹ, nơi mà trước đây việc tiếp cận các mặt hàng như tôm, mực ống và tôm hùm bị hạn chế. Nhưng chuỗi nhà hàng hải sản bình dân này đã rơi vào thời kỳ khó khăn.
Sau khi đóng cửa hơn 100 trong số 640 nhà hàng của mình vào đầu năm nay, tháng 5/2025, Red Lobster đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 để tái cấu trúc và bảo vệ mình khỏi các chủ nợ. Trong đơn xin phá sản, Red Lobster đã liệt kê tài sản là 358 triệu USD và các khoản nợ phải trả là 399 triệu USD. Công ty có 27 triệu USD tiền mặt.
Các chủ nợ đã nộp đơn yêu cầu bồi thường lên tới ít nhất 384 triệu USD. Một trong những chủ nợ lớn nhất của chuỗi cửa hàng hải sản là Fortress Credit Corp., với 265 triệu USD tiền yêu cầu bồi thường được đảm bảo bằng tài sản của công ty. Các chủ nợ có yêu cầu bồi thường không được đảm bảo có tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 119 triệu USD.
Chiến dịch “Endless Shrimp” của Red Lobster khiến chuỗi cửa hàng tổn thất hàng triệu USD. Không chỉ vậy, đại dịch COVID-19 và nhân công tăng cao, câu chuyện bán-cho thuê lại của Red Lobster là những yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định nộp đơn xin phá sản của công ty.
Trong quá trình phá sản, Red Lobster đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc đấu giá — chuỗi nhà hàng sẽ thuộc về người trả giá cao nhất.
Rất may mắn, Red Lobster sau này cũng đã thoát khỏi tình trạng phá sản. Chuỗi nhà hàng hải sản bình dân này đã trải qua một cuộc tái tổ chức và đưa ra một kế hoạch để tăng doanh thu, đưa khách hàng cũ quay trở lại và thu hút thêm khách hàng mới. Một CEO mới đã được thuê và các chủ sở hữu mới đã cam kết hơn 60 triệu USD tiền tài trợ mới.
The Body Shop
Tháng 2/2024, The Body Shop đã phải nộp đơn xin phá sản tại Anh, chỉ chưa đầy ba tháng sau khi được công ty cổ phần tư nhân Aurelius của Đức tiếp quản. Động thái này khiến hơn 2.200 việc làm tại chuỗi cửa hàng mỹ phẩm này có nguy cơ mất việc.
Thông báo này được đưa ra sau khi TBS trải qua tình trạng doanh số sụt giảm trong bốn quý liên tiếp và phải triển khai các sáng kiến tiết kiệm chi phí để giảm thiểu những tổn thất này, một trong số đó là đóng cửa các cửa hàng.
Đến tháng 3/2024, tập đoàn mỹ phẩm đạo đức này tiếp tục nộp đơn xin phá sản theo Chương 7 tại Mỹ và Canada.
TBS đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa hoàn toàn các hoạt động cửa hàng của mình tại Mỹ, đóng cửa 33 trong số 105 cửa hàng tại Canada, đóng cửa 75 trong số 198 cửa hàng tại Vương quốc Anh và đóng cửa các cửa hàng TBS khác trên toàn thế giới.
Tại Úc, nơi tập đoàn này điều hành gần 100 cửa hàng và chịu trách nhiệm cho hơn 20 cửa hàng khác tại New Zealand, người ta hiểu rằng tương lai của chuỗi cửa hàng này đang bấp bênh khi phải vật lộn để trang trải các khoản nợ lớn sau khi bị cắt nguồn vốn.
Đến tháng 11, TBS tiếp tục thông báo phá sản tại Hà Lan.
The Body Shop được thành lập vào năm 1976 bởi nhà hoạt động vì quyền động vật Anita Roddick. Chuỗi cửa hàng này là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực mỹ phẩm có đạo đức, nhưng đã đánh mất linh hồn của mình khi rơi vào tay tập đoàn đa quốc gia L'Oréal.
Một chủ sở hữu tiếp theo, tập đoàn Brazil Natura & Co, đã không thể xoay chuyển tình thế và đã bán công ty vào tháng 11/2023 cho nhà đầu tư Đức Aurelius.
Hai thương hiệu này (L'Oréal và Natura & Co) được coi là gây tranh cãi đối với TBS vì cả hai đều tiến hành thử nghiệm sản phẩm trên động vật - điều này rất khác so với các nguyên tắc của TBS.
Do đó, công ty này không đủ năng lực để thực hiện các động thái phù hợp với các giá trị và nguyên tắc nội bộ của công ty một cách hiệu quả, dẫn tới việc sớm gặp các khó khăn tài chính.
Sririt Airlines
Tháng 11/2024, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất nước Mỹ là Spirit Airlines đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11, sau khi đàm phán với các chủ trái phiếu.
Hãng hàng không này đã lỗ hơn 2,5 tỷ USD kể từ đầu năm 2020 và phải đối mặt với các khoản thanh toán nợ sắp tới lên tới hơn 1 tỷ USD vào năm 2025 và 2026.
Hãng hàng không cho biết họ hy vọng sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong quá trình phá sản.
Hãng hàng không cũng cho biết họ đã nhận được cam kết đầu tư vốn chủ sở hữu trị giá 350 triệu USD từ các chủ trái phiếu hiện tại và sẽ chuyển đổi 795 triệu USD nợ thành cổ phiếu trong công ty được tái cấu trúc. Các chủ trái phiếu cũng sẽ mở rộng khoản vay 300 triệu USD, kết hợp với số tiền mặt còn lại của Spirit, sẽ giúp hãng hàng không vượt qua quá trình tái cấu trúc.
Nhưng cũng có khả năng Spirit sẽ được một hãng hàng không khác mua lại hoặc buộc phải thanh lý.
Hồ sơ của Spirit tiết lộ rằng công ty có gần 13.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian, cùng 8.000 nhà thầu độc lập và nhân viên tạm thời khác. Công ty liệt kê Bộ Tài chính Mỹ là chủ nợ lớn thứ hai, với người nộp thuế phải chịu khoản nợ 136 triệu USD cho khoản vay không được bảo đảm.
Trong những năm gần đây, Spirit đã cố gắng sáp nhập hai lần, một lần với hãng hàng không giá rẻ Frontier Airlines và một lần với JetBlue Airways, hãng này đã đưa ra mức giá cao hơn so với Frontier nhưng cuối cùng đã bị một thẩm phán liên bang chặn lại vì lý do chống độc quyền.
Spirit nổi tiếng với giá vé cơ bản rất thấp. Theo dữ liệu từ Cirium, một công ty phân tích hàng không, giá vé khứ hồi nội địa trung bình của hãng trong năm nay là 136 USD, chưa bao gồm thuế và phí. Thấp hơn 61% so với mức trung bình của ngành công nghiệp Mỹ và thấp hơn 69% so với mức trung bình của bốn hãng hàng không lớn trong nước, gồm American, United, Delta và Southwest Airlines.
Spirit là hãng tiên phong trên thị trường Hoa Kỳ khi cung cấp giá vé cơ bản cực thấp nhưng tính thêm phí cho hầu hết các lựa chọn khác, bao gồm cả hành lý xách tay.
TupperWare
Tháng 9/2024, "biểu tượng đồ gia dụng" một thời của nước Mỹ - hãng đồ nhựa TupperWare đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 sau nhiều năm gặp khó khăn tài chính.
Bà Laurie Ann Goldman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Tupperware Brands Corporation, cho biết trong một tuyên bố: "Trong vài năm qua, tình hình tài chính của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức".
Theo hồ sơ tòa án, công ty có 812 triệu USD nợ, phần lớn trong số đó được các nhà đầu tư nợ khó đòi mua với mức chiết khấu lớn vào tháng 7. Những người cho vay mới này đã tìm cách tịch thu tài sản của Tupperware bao gồm cả tài sản trí tuệ như thương hiệu của công ty, thúc đẩy công ty tìm kiếm sự bảo vệ phá sản, Tupperware cho biết.
Tupperware có tài sản ước tính từ 500 triệu đến 1 tỷ USD, trong khi nợ phải trả ước tính từ 1-10 tỷ USD. Công ty này liệt kê số lượng chủ nợ từ 50.001 đến 100.000 người.
Công ty đã cố gắng thay đổi tình hình kinh doanh trong nhiều năm sau khi báo cáo doanh số bán hàng giảm trong nhiều quý.
Chi phí nhân công, vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu thô như hạt nhựa tăng vọt sau đại dịch cũng gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của công ty.
Trên hết, phương thức bán hàng trực tiếp từng tạo nên tên tuổi cho hãng đồ gia dụng này đã không còn phù hợp, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, những nỗ lực chuyển qua kênh bán hàng trực tuyến của TupperWare được thực hiện muộn màng và kém hiệu quả.
Vietnamfinance
In bài viết