Điểm lại những sự kiện tài chính nổi bật năm 2014

Năm 2014 được đánh giá là một năm đáng nhớ với ngành tài chính ngân hàng khi hàng loạt các đại gia tên tuổi trong ngành lần lượt “ngã ngựa”. 2014 cũng là một năm thót tim về tỷ giá USD/VND, kỷ lục của lãi suất và là bước ngoặt cho nhiều sự cách tân mới.

Cùng BizLIVE điểm lại 10 sự kiện tài chính ngân hàng đáng ghi nhớ nhất trong năm vừa qua.

1. Tăng trưởng tín dụng đã vượt đích

Theo Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 22/12/2014, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,62% (cùng kỳ năm 2013 tăng 12,51%).

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng tín dụng được đánh giá là tăng đều, không dồn cục vào những tháng cuối năm so với năm trước

Mặc dù trong quý I/2014, tình hình tín dụng có vẻ "chuệch choạc" khi 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm lần lượt 0,55% và 0,65% tuy nhiên nhờ đạt 1,35% trong tháng 3, tăng trưởng tính gộp cả quý mới thoát âm, tăng 0,01%. Sáu tháng đầu năm tăng 3,52%, quý III tăng 3,74% và 2 tháng quý IV tăng 2,96%.

Điểm lại những sự kiện tài chính nổi bật năm 2014 - Ảnh 1

2. Lãi suất thấp kỷ lục

Ngày 29/10, NHNN công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Trong khi đó, tại thời điểm đầu năm trần lãi suất huy động ngắn hạn là 7%/năm.

Đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm từ mức 1%/năm xuống 0,75%/năm.

Các ngân hàng đã hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc giảm lãi suất huy động nhiều đợt, từ đó giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh với vốn giá rẻ.

Đến ngày 19/12/2014, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, so với cuối năm 2013, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc NHNN cần bỏ trần lãi suất khi thị trường tài chính ngân hàng khá ổn định, lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước ít tác dụng, nhất là trần lãi suất đầu vào...                                                                                                

3. Cơn sốt tỷ giá

NHNN đã có năm thứ ba liên tiếp thành công trong nhiệm vụ kiểm soát biến động tỷ giá. Năm 2014, nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và cán cân thương mại đạt thặng dư, NHNN mới chỉ phải thực hiện điều chỉnh 1% tỷ giá vào tháng 6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD. Tỷ giá trần tại NHTM là 21.458 USD/VND, tỷ giá sàn là 21.034 USD/VND.

Trong năm, tỷ giá USD/VND có 3 đợt “tăng nóng” bất thường. Trong đó biến động mạnh nhất là đợt tăng thứ 3 ngày 18/11, có thời điểm đạt mức 21.420 đồng/ USD. Mức tăng tới 50 VND chỉ trong vòng 1 giờ đầu ngày - gây bất ngờ vì mức tăng quá đặc biệt, vì sự mạnh bạo đó thường chỉ có ở những thời điểm xáo trộn từ 2011 trở về trước.

Nguyên nhân chủ yếu của các đợt tăng nóng này đều xuất phát từ tin đồn NHNN điều chỉnh  tỷ giá lần thứ hai trong năm 2014. Trước việc liên tục xuất hiện những tin đồn, NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá cho đến hết năm.

Có thời điểm căng thẳng, NHNN đã bán ra lượng lớn ngoại tệ ước tính hơn 1,5 tỷ USD để can thiệp thị trường, giữ tỷ giá trong biên độ cho phép. NHNN dự tính sẽ giữ ổn định, với khoảng biến động (nếu có) trong năm 2015 ở khoảng 2%.

Điểm lại những sự kiện tài chính nổi bật năm 2014 - Ảnh 2
Biến động tỷ giá mua – bán của các NHTM. Nguồn: VDSC.

4. Thị trường vàng lặng sóng

Gần như cả năm 2014, thị trường vàng trong nước khá lặng sóng, mặc dù trong năm có thời điểm giá vàng SJC đã lên tới 37 triệu đồng/lượng. Giá vàng đã lập đỉnh tại phiên giao dịch ngày 20/5, với mức giá mua vào bán ra: 37-37,15 triệu đồng/lượng và chạm đáy vào ngày 6/11/2014, khi tạo mốc 34,88-35 triệu đồng/lượng.

Trong năm 2014, NHNN ngưng việc đấu thầu vàng, nguồn cung không dồi dào đã đẩy giá vàng lên là nguyên nhân khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng nới rộng hơn, có thời điểm chênh lệch kéo doãng lên trên 5 triệu đồng/lượng.

Một số chuyên gia nhận định có khoảng cách như vậy do sự ngăn cách thị trường trong nước, nước ngoài, các quy chế không cho phép kết nối với thị trường vàng thế giới. Trong khi trong nước vẫn có nhu cầu cao về dự trữ vàng do niềm tin vào đồng tiền Việt vẫn chưa có niềm tin tuyệt đối.

Theo nhận định, mặc dù mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao nhưng NHNN không cần phải đấu thầu vàng lúc này.

Điểm lại những sự kiện tài chính nổi bật năm 2014 - Ảnh 3
Diễn biến giá vàng trong 1 năm qua. Nguồn: SJC

5. Nợ xấu và “cây đũa thần” VAMC

Tính đến ngày 23/12/2014, tổ chức VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu trong đó  năm 2014 đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua bao gồm xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, tổ chức đấu giá,...Kế hoạch cuối năm 2015, VAMC sẽ mua 200 ngàn tỷ đồng nợ xấu của các TCTD.

Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, con số này vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%).

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng đã yêu cầu phải tiếp tục triển khai các giải pháp để đưa nợ xấu về mức 3% (tỷ lệ của NHNN) vào cuối năm 2015.

6. Làn sóng sáp nhập

Năm 2014 tiếp tục là năm đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đã có 2 thương vụ sáp nhập được Đại hội đồng cổ đông thông qua: Sacombank - Southernbank và Maritime Bank - MekongBank. Như vậy chỉ còn duy nhất trường hợp của GPBank trong tổng số 9 TCTD yếu kém cần tái cấu trúc đang chờ phê duyệt để bán cho đối tác ngoại.

Vào những ngày cuối cùng của năm, Vietcombank công bố đang chuẩn bị sáp nhập với một ngân hàng khác. Hiện danh tính của ngân hàng này vẫn chưa được tiết lộ.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng chạy đua thâu tóm các công ty tài chính trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong năm qua.

Techcombank đã được NHNN chấp thuận mua Tài chính Hóa chất. Maritime Bank trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty tài chính Dệt may sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của Tập đoàn Dệt May tại công ty này (64,1%). VPBank mua lại Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Ngoài ra, SHB đã xin ý kiến mua Tài chính Viettel – Vinaconex (VVF).

7. Hàng loạt đại gia ngân hàng vướng vòng lao lý

Cuối tháng 7/2014, ngành ngân hàng chấn động với thông tin 3 lãnh đạo của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị bắt bao gồm ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT, ông Mai Hữu Khương thành viên HĐQTvà ông Phan Thành Mai nguyên Tổng giám đốc vì tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định trong cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngày 20/9, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã bắt ông Đỗ Tất Ngọc, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Trước khi ông Đỗ Tất Ngọc bị bắt, một loạt các lãnh đạo Agribank cũng đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra như ông Phạm Thanh Tân, cựu Tổng giám đốc Agribank; ông Kiều Trọng Tuyến cựu Phó Tổng giám đốc Agribank và ông Phạm Ngọc Ngoạn, cựu Ủy viên Hội đồng thành viên Agribank vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 24/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hà Văn Thắm nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank. Trong quá trình triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, NHNN đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm.

Hai tháng sau, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố thêm ông Nguyễn Văn Hoàn - nguyên phó tổng giám đốc, thành viên hội đồng tín dụng OceanBank do nghi ngờ ông là đồng phạm với ông Thắm trong việc để thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

2014 cũng là năm xét xử 2 vụ đại án kinh tế bầu Kiên và Huyền Như. Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị y án 30 năm tù. Huỳnh Thị Huyền Như lãnh án phạt chung thân.

8. “Vòng kim cô” Thông tư 36

NHNN đã ký ban hành chính thức thông tư 36/TT-NHNN “Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động TCTD, chi nhánh NH nước ngoài” với nhiều thay đổi được cho là giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh hơn.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 với nhiều nội dung như siết TCTD phi ngân hàng; không cho vay cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ, điều kiện về cấp cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu; giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Thông tư 36 được dánh giá là bước ngoặt lịch sử của NHNN trong việc quản lý hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Thông tư 36 có thể được xem là tiền đề áp dụng công ước Basel II vì những quy định liên quan đến an toàn vốn, thanh khoản, tín dụng… đều hướng tới Basel II.

9. Kiều hối tịnh tiến đều

Trong khoảng 4 năm gần đây lượng kiều hối về nước liên tục tăng. Nếu như năm 2011, lượng kiều hối về Việt Nam là 9 tỷ USD, năm 2012 là 10 tỷ USD và năm 2013 là 11 tỷ USD, đưa Việt Nam lọt vào top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Tiếp nối đà tăng trưởng , năm 2014 được dự báo, tổng giá trị kiều hối vào Việt Nam sẽ vào khoảng 12 tỷ USD.

Tiền kiều hối đã trở thành nguồn lực quan trọng chủ yếu được sử dụng để chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày, đầu tư vào sản xuất kinh doanh và đặc biệt là trả nợ.

Theo những giả thiết khác nhau (dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu, tỷ giá VND/USD), cả 3 trường hợp đều cho thấy tổng số tiền kiều hối vào Việt Nam năm 2015 và 2016 sẽ tăng so với con số 11 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2017, dòng tiền kiều hối sẽ bắt đầu giảm nhẹ.

Điểm lại những sự kiện tài chính nổi bật năm 2014 - Ảnh 4

10. NHNN chính thức sửa đổi Thông tư 02

Ngày 18/3/2014, NHNN đã ban hành Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 ban hành ngày 21/ 1/2013. Ngoài việc bổ sung thêm quy định về trích lập dự phòng trong trường hợp bán nợ xấu cho VAMC, về cơ bản các sửa đổi chính được nêu trong Thông tư 09 chủ yếu vẫn là tiếp tục giãn việc phân loại nợ mới đến hết ngày 31/12/2014 thay vì đến 30/6/2014 như quy định trước đây; cho phép cho phép ngân hàng, công ty tài chính thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 1/4/2015.

Các ngân hàng và doanh nghiệp đã khấp khởi vui mừng khi ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng nhiều cho nợ xấu, giúp giảm chi phí còn doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội tiếp cận vốn vay mới.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản hồi rằng, với việc NHNN chỉnh sửa thông tư, các tổ chức tín dụng là người đắc lợi nhất, càng tạo tâm lý ỷ lại. Thông tư 09 tác động tích cực tới lợi nhuận trong ngắn hạn của các ngân hàng. Tuy nhiên, xét về dài hạn, những điều chỉnh của Thông tư 09 có thể làm chậm tiến trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, làm niềm tin của thị trường bị tổn thương.

Theo BizLIVE

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục