Bị "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn mua nhà
Thời gian qua, theo phản ánh của người mua nhà và các kênh thông tin đại chúng, hiện nay một số ngân hàng thương mại đang áp dụng quy định khách hàng cá nhân vay tiền ngân hàng thương mại để mua căn hộ phải mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư.
Theo đó, các ngân hàng thương mại liên kết với 1-2 công ty bảo hiểm, bán chéo sản phẩm nên người vay tiền không có nhiều lựa chọn: “hoặc vay tiền tại ngân hàng đồng thời mua bảo hiểm hoặc tìm ngân hàng khác”.
Việc áp dụng quy định này đang đẩy người vay vào thế đành “chịu trận”, dẫn đến tình trạng “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm cháy nổ khi ký các Hợp đồng tín dụng vay tiền.
Vietcombank từng bị tố "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay tiền.
Mới đây nhất, một khách hàng tên P.T (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh, chị vừa vay tiền một ngân hàng cổ phần mua căn hộ chung cư. Ngay khi nhận được thông báo từ phía ngân hàng là hồ sơ đã hoàn thiện và hẹn thời gian đến ký hợp đồng thì đồng thời, vị khách hàng này cũng nhận thông báo phải mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ này.
Theo giải thích của nhân viên tín dụng, từ 15/4/2018, Nghị định 23/2018 quy định chủ sở hữu chung cư phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nên đây là quy định mới của ngân hàng, khách hàng phải đóng bảo hiểm thì mới được cấp khoản vay vì đây là quy định bắt buộc.
Chị P.T cũng cho biết, phía ngân hàng tư vấn chị bắt buộc phải mua ở công ty bảo hiểm do ngân hàng liên kết, chỉ định, không được mua ở công ty khác. “Vì vậy tôi nghi ngờ về sự “bắt buộc” này, rất có thể là một yêu cầu để tăng bán chéo bảo hiểm. Nhưng thực sự do cần giải ngân đúng hạn, nên tôi vẫn nộp tiền”, chị Thảo cho hay.
Không riêng trường hợp của chị Thảo, trước đó, một khách hàng khác tên T.V.T ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết, mới đây anh thế chấp căn hộ của mình để vay 200 triệu tại một ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị giải ngân thì ngân hàng ra điều kiện phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp là căn hộ. Khi thắc mắc thì đại diện ngân hàng giải thích, đây là điều kiện bắt buộc trước khi giải ngân.
Tương tự, chị N.X.M ở Ba Đình, Hà Nội cũng phản ánh, khi tiếp xúc với nhân viên tín dụng của ngân hàng X (có trụ sở trên đường Láng Hạ), để được tư vấn vay với số tiền 40 triệu đồng, chị cũng được tư vấn là phải mua bảo hiểm khoản vay với mức 1,3% của số tiền vay thì mới được ngân hàng giải ngân.
Theo giải thích của đại diện Ngân hàng này, bảo hiểm khoản vay là số tiền mà khách hàng chi trả để mua bảo hiểm cho gói sản phẩm vay của mình tại tổ chức tín dụng. Đối với hình thức vay tín chấp (không có tài sản thế chấp) mang tính chất rủi ro cao, các tổ chức tín dụng cần một cơ sở để đảm bảo an toàn khoản tiền cho vay này.
Còn bảo hiểm tài sản thế chấp khoản vay là trong trường hợp khách hàng vay tiền để đầu tư những tài sản có giá trị lớn như: mua nhà, mua xe, không may gặp phải những rủi ro không lường trước được, sau khi vay thế chấp, công ty bảo hiểm sẽ trả nợ thay khách hàng. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để các tổ chức tín dụng dễ dàng phê duyệt khoản vay của khách hàng với những tài sản có giá trị cao.
Hay trường hợp của anh V.T (Cầu Giấy, Hà Nội) khi anh tìm đến một chi nhánh Ngân hàng Vietcombank tại Hà Nội vay tiền mua nhà.
Để được giải ngân, anh T. phải thế chấp hồ sơ mua nhà cho Vietcombank như tài sản bảo đảm nếu trong trường hợp anh không trả được các khoản vay, Vietcombank sẽ thu nợ bằng tài sản bảo đảm chính là căn hộ. Nhằm giúp khách hàng tiện thanh T.oán tiền gốc và lãi, anh T. được phía Vietcombank tạo cho một tài khoản tại ngân hàng.
Tuy nhiên đến khi chuẩn bị giải ngân thì Vietcombank ra điều kiện phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp là căn hộ.
“Ngân hàng khẳng định đây là điều kiện bắt buộc trước khi giải ngân, nhưng điều khiến tôi bức xúc hơn cả là suốt quá trình tư vấn nhân viên không hề đề cập đến điều khoản này, đến khi hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị giải ngân nhân viên ngân hàng với thông báo. Lúc này do cần gấp tiền nên tôi đành chấp nhận”, anh T. nói.
Không có quy định bắt buộc vay tiền ngân hàng phải mua bảo hiểm
Chia sẻ trên MXH Nguoimuanha.vn mới đây, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay tín dụng của ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, đẩy khách hàng vào tình thế phải mua bảo hiểm chỉ định, ảnh hưởng trực tiếp cạnh tranh với các công ty kinh doanh bảo hiểm khác trên thị trường.
“Việc mua hiểm đối với tài sản là cần thiết để dự phòng các trường hợp rủi ro gây tổn thất đến tài sản của khách hàng. Tuy nhiên, nếu ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm của chính ngân hàng cho vay là không hợp lý và thể hiện quan hệ tín dụng không phù hợp, bất bình đẳng đối với khách hàng”, luật sư Trương Anh Tú nhận định.
Không có quy định bắt buộc vay tiền ngân hàng phải mua bảo hiểm. Ảnh minh họa.
Đối với các trường hợp vay mua nhà, mặc dù quy định Bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc đối với các tổ chức cá nhân khi đầu tư, sử dụng nhà chung cư theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu dự án chung cư vẫn do chủ đầu tư sở hữu thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ. Trường hợp người mua chung cư đã được chuyển quyền sở hữu chung cư thì trách nhiệm lúc này mới thuộc về người mua.
Theo Luật sư Tú, đối chiếu với trường hợp Ngân hàng “đẩy” khách hàng vào tình thế lựa chọn mua là không phù hợp với qui định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi khách hàng chưa là chủ sở hữu căn hộ chung cư nên chưa thể phát sinh trách nhiệm bắt buộc phải đóng bảo hiểm cháy nổ.
Hơn nữa, dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khách hàng có quyền lựa chọn việc mua bảo hiểm ở Công ty bảo hiểm khác chứ không phải là đơn vị bảo hiểm đã có liên kết với khách hàng có sự chỉ định của Ngân hàng.
Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành đối với các ngân hàng không có quy định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm tín dụng. Cho nên, việc khách hàng mua thêm bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng trên cơ sở ý chí tự nguyện của hai bên.
“Hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng và Hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là hai giao dịch hoàn toàn độc lập với nhau. Phí bảo hiểm là một trong những thỏa thuận riêng giữa khách hàng và đơn vị kinh doanh bảo hiểm”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Trong trường hợp ngân hàng làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thì ngân hàng chỉ thực hiện thu phí bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tại pháp luật về ngân hàng không quy định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm. Do vậy, việc khách hàng mua thêm bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên.
Đồng thời hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng và hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là các giao dịch độc lập.
Còn đối với khoản vay thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai, cơ quan quản lý không có quy định nào về việc người vay tiền mua căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại phải mua bảo hiểm. Do đó, tùy tình hình kinh doanh, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra điều kiện buộc người vay tiền mua căn hộ phải mua bảo hiểm là không nên.
Riêng cho vay mua nhà ở xã hội, các ngân hàng không được phép buộc người vay mua bảo hiểm. Trường hợp người vay tiền mua nhà ở xã hội bị ngân hàng ép mua bảo hiểm có thể phản ánh đến cơ quan quản lý, và Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp xử lý thích đáng.
Hải Lan