Đại án Vinashinlines
Sáng 16/2, TAND TP Hà Nội xét xử vụ tham nhũng tại Cty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Đây là một trong những đại án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương yêu cầu sớm đưa ra xét xử trong đầu năm 2017.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16/2. Ảnh: Dân trí
Các bị cáo gồm: Trần Văn Liêm (nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines), Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) và Trần Văn Khương (cựu kế toán Vinashinlines) bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản. Bị cáo Giang Văn Hiển (bố đẻ của Giang Kim Đạt) bị cáo buộc tội rửa tiền.
Theo cáo trạng, trong thời gian lãnh đạo Vinashinelines, Trần Văn Liêm và thuộc cấp đã thỏa thuận lấy tiền hoa hồng hoặc gửi giá vào hợp đồng mua 3 tàu, cho thuê 9 tàu của Vinashinlines để chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng. Cụ thể, từ năm 2006 đến 2008, Liêm đã chỉ đạo Đạt tìm kiếm, thỏa thuận với các Cty môi giới để yêu cầu trích lại từ 1 - 5,75% tổng giá trị hợp đồng mua 3 tàu biển. Qua việc này, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 11,4 tỷ đồng của Vinashinlines.
Cũng trong thời gian này, các bị cáo đã gửi giá vào hợp đồng của Vinashinlines cho đối tác thuê 9 tàu biển, chiếm đoạt gần 250 tỷ đồng. Ngoài ra, các Cty nước ngoài còn chuyển vào tài khoản của vợ chồng Giang Văn Hiển hơn 2,4 triệu USD. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng không có căn cứ kết luận đây là tiền chiếm đoạt của Vinashinlines.
Về hành vi của Giang Văn Hiển, CQĐT xác định bị cáo đã mở 22 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm giúp Đạt rửa tiền. Các Cty nước ngoài đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản này với tổng số gần 16 triệu USD. Sau đó, Hiển rút ra giao Đạt để Đạt đưa lại cho Liêm và Khương một phần. Còn lại, Hiển mua 40 bất động sản đứng tên mình và người thân, mua đi bán lại 13 ô tô…
Kết thúc phiên tòa ngày 16/2, các bị cáo đồng loạt kêu oan, không nhận tôi. Hôm nay (17/2), phiên tòa xét xử đại án tham nhũng ở Vinashinlines sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 4 ngày.
Tham ô tài sản tại PVC
Trước đó, ngày 15/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra về kinh tế, tham nhũng (C46, Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, về tội tham ô tài sản tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã. Ảnh: Tiền Phong
5 bị can bao gồm: ông Lương Văn Hoà, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, PVC; ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; ông Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.
Ông Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Giám đốc Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty miền Trung; bà Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Bà Hoa hiện đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Liên quan tới những sai phạm tại PVC, vào giữa tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.
Theo đó, ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc và ông Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC đã bị khởi tố bị can. Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch PVC được xác định phải chịu trách nhiệm chính song đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã.
Vụ tham nhũng của ông Trịnh Xuân Thanh đã để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với PVC. Trong hai năm từ 2012, 2013 (thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch) PVC bị lỗ ròng lần lượt 1.847,3 tỷ đồng và 2.228,3 tỷ đồng.
Sabeco bãi nhiệm Vũ Quang Hải
Hôm qua 16/2, đại hội đồng cổ đông Sabeco đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2013-2018 đối với ông Vũ Quang Hải; bầu bổ sung ông Nguyễn Thành Nam làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018.
Trong năm 2016, ông Vũ Quang Hải trở thành tâm điểm của báo chí khi VAFI liên tục tố cáo những sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Sabeco. Cụ thể, theo VAFI, ông Hải không có nhiều năng lực đặc biệt nhưng vẫn được điều động, bổ nhiệm làm lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) rồi sau đó được đưa về Cục Xúc tiến thương mại làm Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu.
Tiếp đó ông Hải lại được chuyển sang làm kiểm soát viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và được điều chuyển về Sabeco bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc rồi thành viên HĐQT Sabeco. Trong các đơn tố cáo của mình, VAFI cho rằng, việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là sai quy trình, mang tính vụ lợi và vi phạm các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.
Ông Vũ Quang Hải là con trai của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ông Hải được điều về làm lãnh đạo tại Sabeco đầu năm 2015 đảm đương vị trí thành viên HĐQT, đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco, đồng thời kiêm chức phó tổng giám đốc.
Thúy Hạnh (TH theo Tiền Phong, Dân Trí)