Dịch do virus Coroa: WHO kêu gọi toàn thế giới đối phó với dịch bệnh

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra không còn là việc riêng của Trung Quốc mà là mối đe dọa đối với các nước còn lại trên thế giới.

Dịch do virus Coroa: WHO kêu gọi toàn thế giới đối phó với dịch bệnh - Ảnh 1
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo sau phiên họp kín về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus 2019nCoV gây ra, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 30/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong hai ngày 11-12/2, Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, trong bối cảnh WHO tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) là vấn đề toàn thế giới phải đối phó.

WHO cũng đã công bố tên chủng virus corona mới gây ra dịch viêm phổi cấp là "Covid-19" ("co" là viết tắt của corona, "vi" là virus và "d" là disease -dịch bệnh).

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra không còn là việc riêng của Trung Quốc mà là mối đe dọa đối với các nước còn lại trên thế giới. Điều mấu chốt là sự đoàn kết, đặc biệt liên quan tới việc chia sẻ mẫu phẩm, chuỗi virus và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc điều trị cũng như vaccine phòng ngừa. Để chiến thắng dịch bệnh này cần phải cởi mở và chia sẻ công bằng tuân theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, Tiến sĩ Charu Kaushic, Giám đốc khoa học tại Viện nghiên cứu sức khỏe Canada (CIHR) cho biết: Nhận thức được sức mạnh của khoa học, các chiến lược nghiên cứu và phát triển để kiểm soát sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, WHO đã phối hợp cùng với Tổ chức nghiên cứu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm (GLOPID-R) để tổ chức cuộc họp hai ngày này.

Diễn đàn tập hợp những đối tác quan trọng bao gồm các nhà khoa học hàng đầu cũng như các cơ quan y tế công cộng, các bộ y tế và các nhà tài trợ nghiên cứu để cùng nhau làm việc xem hoạt động nghiên cứu là cần thiết để đối phó với chủng mới của virus corona.

Liên quan đến câu hỏi về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, cũng như nỗ lực của các nước trong đó có Việt Nam, để cùng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển như khả năng sản xuất vaccine, bộ kiểm tra nhanh, nuôi cấy và phân lập chủng virus corona mới…, bà Charu Kaushic, hiện cũng là Phó Chủ tịch GLOPID-R khẳng định: Hợp tác toàn cầu là vô cùng quan trọng.

Như chúng ta đã biết đa số các trường hợp nhiễm bệnh là ở Trung Quốc nhưng bệnh cũng đã được báo cáo có ở 24 quốc gia. Sự hợp tác quốc tế cần được chú trọng để có được các biện pháp phối hợp phản ứng cùng ứng phó với virus corona chủng mới.

Thời gian qua, các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, cơ quan y tế của nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực chạy đua với thời gian để tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong đó có việc bào chế vaccine, cách để phát hiện và theo dõi các trường hợp nhiễm virus sớm.

Các nước khác nhau cũng như các nhà tài trợ nghiên cứu cùng trao đổi về các thứ tự ưu tiên. Các nhà khoa học cũng đã được tập trung tại Geneva hoặc thông qua hội thảo từ xa để thảo luận về chương trình nghiên cứu ưu tiên đối với "Covid-19".

Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng sớm đạt được một lộ trình nghiên cứu chung cho các chuyên gia và các nhà tài trợ. Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thuốc điều trị, phương pháp chuẩn đoán và vaccine phòng ngừa trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khả năng lây lan của "Covid-19".

Khoảng 400 nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ các nước đã tham gia hội nghị. Các chuyên gia Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) dự họp qua video trực tuyến.

Với vai trò điều phối, WHO đang nỗ lực khai thác sức mạnh của khoa học, đưa ra kế hoạch chi tiết cho hoạt động Nghiên cứu và Phát triển nhằm huy động hành động quốc tế ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu tại Geneva đã tập hợp các nhà khoa học hàng đầu, các cán bộ y tế, các nhà sinh học có chuyên môn, các nhà tài trợ nghiên cứu, phát triển vaccine, xét nghiệm hiệu quả và các loại thuốc có thể được sử dụng để cứu sống, cũng như ngăn chặn dịch bệnh quy mô lớn./.

 

Theo Tố Uyên - Xuân Hoàng/TTXVN/BNEWS

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục