Dịch COVID-19: WHO nhấn mạnh nỗ lực chống dịch của tất cả các nước

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh những nỗ lực đồng bộ của tất cả các nước trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVD-19.

Dịch COVID-19: WHO nhấn mạnh nỗ lực chống dịch của tất cả các nước - Ảnh 1
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) trong cuộc họp báo về diễn biến dịch COVOD-19 ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN


Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva vào tối 9/3 (theo giờ Hà Nội), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh những nỗ lực đồng bộ của tất cả các nước trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVD-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Theo ông Ghebreyesus, cuối tuần qua đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 vượt ngưỡng 100.000 người ở 100 quốc gia. Điều này rất đáng lo ngại vì có quá nhiều người và nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu chỉ nhìn vào tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo và tổng số nước có dịch thì không nói lên toàn bộ câu chuyện. Trong số tất cả các trường hợp nhiễm bệnh trên toàn cầu tính đến nay, riêng 4 nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran) đã chiếm tới 93% số bệnh nhân. Điều này cho thấy đây là một dịch bệnh không đồng đều ở cấp độ toàn cầu.

Theo ông, các quốc gia khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi phải có phản ứng phù hợp. Đó không phải là vấn đề ngăn chặn hay giảm thiểu dịch bệnh mà phải triển khai đồng thời cả 2 nhiệm vụ trên. Tất cả các quốc gia phải thực hiện một chiến lược tổng hợp toàn diện để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và đẩy lui virus chết người này.

Tổng giám đốc Ghebreyesus chỉ rõ, việc các quốc gia tiếp tục tìm kiếm, xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm và xác minh các mối quan hệ tiếp xúc của họ không chỉ bảo vệ chính người dân của mình, mà còn có thể ảnh hưởng đến những gì diễn ra ở các quốc gia khác và trên toàn cầu.

Với việc hành động quyết đoán, các nước có thể làm chậm và ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan, phần lớn những người nhiễm bệnh sẽ phục hồi.

Theo ông Ghebreyesus, WHO đã chia các quốc gia trên thế giới theo 4 nhóm: những nước không có trường hợp nhiễm bệnh, những nước xuất hiện lẻ tẻ các ca nhiễm bệnh, những nước có các nhóm người mắc bệnh và những nước có sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đối với tất cả các quốc gia, mục tiêu chung là chấm dứt sự lây truyền và ngăn chặn sự lây lan của virus.

Với 3 nhóm đầu tiên, các nước cần tập trung vào tìm kiếm, xét nghiệm, điều trị và cách ly các trường hợp riêng lẻ và theo dõi các mối liên hệ của họ. Ở nhóm còn lại, việc làm xét nghiệm với mọi trường hợp nghi ngờ và lần theo các mối quan hệ tiếp xúc của họ trở nên thách thức hơn.

Chính quyền các nước này phải hành động để ngăn chặn sự lây nhiễm ở cấp cộng đồng nhằm giảm dịch bệnh xuống cấp độ thành các nhóm có thể quản lý được.

Ông Ghebreyesu chỉ rõ, tùy thuộc vào bối cảnh tình hình, các nước có sự lây truyền bệnh COVID-19 trong cộng đồng có thể xem xét đóng cửa các trường học, hủy bỏ các sự kiện tụ tập đông người và áp dụng các biện pháp khác để giảm thiểu phơi nhiễm.

Các yếu tố cơ bản trong phản ứng với dịch COVID-19 là giống nhau cho tất cả các quốc gia, bao gồm: cơ chế ứng phó khẩn cấp; truyền thông về nguy cơ rủi ro và sự tham gia của công chúng; tìm kiếm các trường hợp nhiễm bệnh và theo dõi các mối liên hệ; các biện pháp y tế công cộng như rửa tay, hô hấp thường quy và hạn chế giao tiếp; xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; điều trị cho bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện; phòng chống nhiễm trùng; và cách tiếp cận toàn xã hội, huy động cả chính phủ vào cuộc.

Có nhiều ví dụ cho thấy các biện pháp trên đang phát huy hiệu quả ở các nước, chẳng hạn như Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác đã khởi động các biện pháp khẩn cấp. Trong khi Singapore là một ví dụ tiêu biểu về cách tiếp cận toàn bộ chính phủ khi Thủ tướng Lý Hiển Long thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để giúp giải thích về các nguy cơ và trấn an người dân.

Hàn Quốc đã tăng cường các nỗ lực nhận diện tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 cũng như các mối tiếp xúc của họ. Trong khi đó, Nigeria, Senegal và Ethiopia đã tăng cường năng lực giám sát và chẩn đoán nhằm nhanh chóng phát hiện ra các trường hợp nhiễm bệnh.

Tổng giám đốc Ghebreyesu khẳng định WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thuộc cả 4 nhóm trên. Cho đến nay, WHO đã cung cấp thiết bị bảo hộ y tế cá nhân cho 57 nước và chuẩn bị cung cấp cho 28 nước khác, đồng thời đã cung cấp các thiết bị trong phòng thí nghiệm cho 120 nước....

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, CH Cyprus ngày 9/3 đã thông báo về 2 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đều ghi nhận các trường hợp lây nhiễm COVID-19./.

 

Theo Đoàn Hùng/TTXVN/BNEWS

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục