Nợ xấu ngân hàng đã giảm thực chất?
Nợ xấu tại các ngân hàng. Nguồn: Fiinpro. Đơn vị: tỷ đồng, %.
Theo báo cáo tài chính năm 2019 của không ít ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm mạnh cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối. Đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của nhiều ngân hàng cũng giảm.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%).
ACB, Bac A Bank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống chưa tới 1%. MSB, Vietcombank dẫn đầu về đà giảm tỷ lệ nợ xấu. SHB, VIB cũng là 2 ngân hàng có cải thiện tỷ trọng nợ xấu trong năm qua.
Bên cạnh đó, vẫn có một số ngân hàng nợ xấu tiếp tục tăng lên. Cụ thể có ABBank, LienVietPostBank, VietBank, KienLongBank, TPBank,…
Đặc biệt, BIDV có giá trị nợ xấu lớn nhất hệ thống với hơn 18.802 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 58% gần 11.210 tỷ đồng, tăng 56%.
Tuy nhiên, các con số nợ xấu như vậy đã phản ánh đúng thực chất hay vẫn còn đâu đó những khoản nợ có khả năng trở thành nợ xấu nhưng chưa được ghi nhận chính xác?
Nợ xấu năm nay sẽ tăng
Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, với ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 14,27% tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này và chiếm 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Trong một báo cáo về ngân hàng phát hành ngày 2/3, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, chất lượng tài sản trong các ngân hàng tại Việt Nam sẽ gặp rủi ro vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất-kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác theo đó sẽ tăng lên, bởi Việt Nam đang là nước phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, khó giữ mục tiêu lợi nhuận không phải là mối lo duy nhất mà các nhà băng đang phải đối mặt. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Vì vậy, mục tiêu đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% trong năm nay có khả năng không thực hiện được.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), triển vọng ngành ngân hàng không sáng sủa bằng năm 2019, nên khi có bệnh dịch bùng phát thì có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu đáng lo ngại hơn.
"Có khả năng nợ xấu năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước, còn mức tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước cũng như việc đưa ra chiến lược hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng", ông Độ cho hay.
Ảnh minh họa
Nói về tình hình dư nợ cho vay của Eximbank, đại diện nhà băng này cho biết, qua thống kê từ các báo cáo của các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, có khoảng 10% dư nợ cho vay của khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bị tác động bởi dịch bệnh.
“Tính đến thời điểm hiện nay, Eximbank đã và đang khẩn trương xử lý đối với đề xuất của 515 khách hàng với tổng dư nợ tương ứng 5.400 tỷ đồng về việc hỗ trợ gia hạn, điều chỉnh lịch trả nợ…”, ngân hàng này cho biết.
Phó Tổng giám đốc Agribank từng chia sẻ, Agribank chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng với ngân hàng.
Theo đó, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này cũng có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Tại Ngân hàng Bản Việt, khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết ngân hàng vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, dư nợ cho vay giảm 2%, huy động giảm 1,6%. Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân.
"Lợi nhuận đến thời điểm hiện tại đảm bảo kế hoạch đề ra nhưng do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên BIDV sẽ xây dựng kịch bản một cách tốt nhất để đảm bảo không bị động ở bất cứ tình huống nào", Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết.
Hà Phương (T/H)