Đi vay tiền, bị ngân hàng ép mua bảo hiểm

Không ít ngân hàng tìm cách ép khách hàng mua một số loại bảo hiểm để hưởng hoa hồng, hưởng lãi suất trên khoản vay mua bảo hiểm...

Đặt khách vay vào thế đã rồi

Trước đây, khách hàng vay diện thế chấp nhà, xưởng chỉ phải mua bảo hiểm tài sản đảm bảo (trong đó có bảo hiểm cháy nổ, động đất). Đây là một biện pháp đảm bảo của ngân hàng về khả năng thanh lý của tài sản thế chấp nếu chẳng may xảy ra sự cố, tránh nợ xấu cho ngân hàng. Điều này có thể chấp nhận được. Nhưng hiện nay, khách vay diện thế chấp đang bị ép phải mua đủ loại bảo hiểm không liên quan, như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.

Anh L.H.H. - trú tại Q.Tân Bình, TP.HCM - kể, anh có nhu cầu vay 500 triệu đồng để mua nhà, được nhân viên Ngân hàng Eximbank tư vấn rất tỉ mỉ về khoản vay, nhưng đến khi làm hợp đồng, anh được nhân viên cho biết, phải mua kèm theo bảo hiểm nhân thọ Generali với mức phí 3%; nếu vay 500 triệu đồng thì phí bảo hiểm là 15 triệu đồng/năm.

Không đồng ý với gói bảo hiểm vô lý này, anh H. tìm qua Ngân hàng Techcombank đăng ký vay thì nhân viên cho biết, phải mua bảo hiểm nhân thọ Manulife mới nhận được lãi suất vay ưu đãi từ 8-9%/năm; nếu không mua bảo hiểm thì lãi suất có thể lên tới 12-13%/năm.

Anh H. tìm qua Ngân hàng TPBank, cũng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ Manulife với mức phí 15 triệu đồng/năm. Tiếp tục tìm đến Ngân hàng MB bank, nhân viên tư vấn nói thẳng: “Bên em bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ kèm theo khoản vay. Bảo hiểm nhân thọ này do ngân hàng tự phát hành; tùy giá trị khoản vay mà giá trị gói bảo hiểm khác nhau, ví dụ vay 500 triệu đồng thì phí bảo hiểm là 15 triệu đồng/năm. Phải mua bảo hiểm mới được giải ngân”.

Đi vay tiền, bị ngân hàng ép mua bảo hiểm - Ảnh 1
 Trước khi làm hồ sơ vay, khách hàng nên hỏi kỹ về các khoản bảo hiểm và khách có quyền từ chối nếu bị ép mua bảo hiểm


Không chỉ vay thế chấp, khách vay tín chấp cũng bị bắt phải mua đủ loại bảo hiểm. Tại MB bank, khi khách vay tín chấp phải mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay. TPBank thì yêu cầu khách phải mua bảo hiểm “an tâm tín dụng” của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu TP.HCM khi vay tín chấp.

Tôi vay tín chấp 100 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa. Lúc tư vấn và làm hồ sơ vay, nhân viên không đả động gì đến bảo hiểm khoản vay. Đến ngày tôi lên nhận tiền, nhân viên mới chìa cái hợp đồng bảo hiểm “an tâm tín dụng” trị giá 9 triệu đồng/năm rồi bắt tôi ký, nếu không ký thì không đủ điều kiện giải ngân. Tôi kêu nhân viên trừ số tiền bảo hiểm trực tiếp vào số tiền vay, nhân viên cho biết, ngân hàng cho vay luôn số tiền bảo hiểm này với lãi suất tương đương lãi suất khoản vay tín chấp, tức 18,40%/năm” - chị N.T.H., ngụ tại Q.3, TP.HCM, kể.

Thậm chí, khi khách hàng mở thẻ tín dụng cũng bị ép mua bảo hiểm. Nhiều khách hàng phản ánh, khi họ mở thẻ tín dụng tại Công ty Tài chính FE Credit với hạn mức là 28,4 triệu đồng, cũng bị ép mua bảo hiểm với mức phí 101.000 đồng/tháng, đóng trong vòng 12 tháng. Đáng chú ý, khách không được tư vấn về mức phí bảo hiểm này mà hệ thống tự động nhắn tin bắt khách đóng. Chỉ khi khách phản ứng, công ty mới hoàn trả phí bảo hiểm.

Nguồn lợi “khủng” của ngân hàng

Công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng (còn gọi là kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - bancassurance) nở rộ tại Việt Nam khoảng 2-3 năm trở lại đây. Theo quy định của các ngân hàng, cán bộ, nhân viên ngân hàng chỉ giới thiệu, khách hàng quan tâm thì sẽ gặp nhân viên tư vấn của công ty bảo hiểm, khách hàng tự quyết định có mua hay không, ký hợp đồng trực tiếp với công ty bảo hiểm chứ không phải với ngân hàng và không gắn với khoản vay.

Nghị định 48/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số nêu rõ: phạt tiền từ 40-100 triệu đồng đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe dưới mọi hình thức. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng không được bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm.

Một nhân viên tín dụng tiết lộ, việc ép người vay mua bảo hiểm nhân thọ là quy định “bất thành văn” tại các ngân hàng, do phí bảo hiểm đem lại nguồn lợi “khủng” cho cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm. “Nếu phí bảo hiểm là 15 triệu đồng/năm thì em được hưởng hoa hồng 1,5 triệu đồng, còn lại là của ngân hàng” - nhân viên này cho hay. Còn theo một phó phòng giao dịch của một ngân hàng đóng trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM, nếu khách đồng ý ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hoa hồng mà ngân hàng và nhân viên ngân hàng lãnh khoảng 25-27%/giá trị hợp đồng bảo hiểm.

Có ngân hàng yêu cầu nhân viên dụ khách hàng đóng phí bảo hiểm một năm để hoàn thành chỉ tiêu, được giải ngân và hưởng lãi suất ưu đãi, qua năm thứ hai, có thể cắt hợp đồng bảo hiểm này vì trên thực tế, các ngân hàng chỉ được hưởng hoa hồng bảo hiểm trong năm đầu. Khi khách cắt hợp đồng bảo hiểm này, cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm đều có lợi. “Tự dưng có được 15-20 triệu đồng/khách hàng, mỗi năm có hàng ngàn khách hàng vay, ngân hàng và công ty bảo hiểm bỗng dưng có được số tiền “khủng” - vị phó phòng này nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, sẽ rất khó chứng minh việc ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ. Khi bị phản ánh, ngân hàng sẽ đổ lỗi cho nhân viên tư vấn và không thừa nhận lỗi của mình. Để tránh rơi vào tròng, trước khi vay, khách hàng nên hỏi rõ về các loại bảo hiểm này. Nếu không có nhu cầu, khách hàng có quyền từ chối. Nếu nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm, khách có thể thu thập bằng chứng vi phạm như ghi âm, ghi hình, email trao đổi… để khiếu nại đến Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.

 

Theo Thanh Hoa/Phunu

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục