Hơn nửa thế kỷ trước, giữa lúc cuộc chiến tranh ở miền Nam diễn ra ác liệt thì có một cán bộ cao cấp của ngành Công an được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cử vào miền Nam hoạt động. Không giống như các cán bộ công an hành quân bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, ông đã đi bằng tàu không số. Người cán bộ Công an ấy chính là đồng chí Nguyễn Tài, tức Tư Trọng, nguyên Ủy viên Ban An ninh miền Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Giờ đây đã gần đến cái tuổi ngoài 80, song chuyến vượt biển bằng chuyến tàu không số để đến với đồng bào, đồng chí miền Nam ruột thịt, ông vẫn nhớ từng chi tiết. Dưới đây là bài viết của ông.
Những năm 1960, tôi là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Công an, trực tiếp làm Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị (tức An ninh chính trị). Sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, do nhu cầu phát triển công tác nhiều mặt, Bộ Công an bắt đầu đào tạo những khóa đặc biệt cán bộ cung cấp cho miền Nam. Một bộ phận chuyên trách phục vụ cho miền Nam cũng bắt đầu được hình thành. Tôi còn nhớ dịp ấy là quý 4 năm 1963, tôi tham gia đoàn của Việt Nam hội đàm với phía Trung Quốc về biên giới Việt Trung. Địa điểm họp ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi cuộc hội đàm kết thúc ngày 1-11-1963, đoàn ta chờ chuyến xe lửa liên vận quốc tế từ Bắc Kinh qua Nam Ninh để về nước. Trong lúc chờ ra ga, anh em trong đoàn có người mở đài thu thanh và nghe được tin: Ở miền Nam có đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm đã thành công. Mọi người xôn xao bàn tán, ai nấy đều rất vui vẻ. Riêng tôi suy nghĩ rất nhiều về sự chuyển biến của thời cuộc miền Nam.
Hôm sau, về đến Hà Nội, tôi đến thăm anh Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an. Trong buổi nói chuyện đề cập tình hình ở miền Nam, tôi nói với anh Hoàn: “Có lẽ đã đến lúc tôi cần vào hoạt động trực tiếp ở miền Nam”. Nghe tôi nói, anh Hoàn tỏ ra quan tâm và trả lời là để báo cáo lên Ban Bí thư. Ít ngày sau, anh Hoàn gặp riêng tôi cho biết các đồng chí Bộ Chính trị phụ trách miền Nam đã biết đề nghị của tôi. Các anh đều mừng và cho là rất quý, dặn anh Hoàn phải giữ bí mật và thu xếp gấp. Tại một cuộc họp Đảng Đoàn Bộ sau đó, anh Hoàn đưa việc này ra, mọi người đều nhất trí. Nhưng để đảm bảo bí mật, tôi vẫn chỉ đạo công tác hàng ngày, đồng thời chuẩn bị kế hoạch bàn giao công việc cho anh Viễn Chi để sớm có thể đi Nam. Sau cuộc họp đó, tôi bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến đi. Nhưng đã mấy lần được báo chuẩn bị lên đường thì đến giờ chót lại hoãn vì hạm đội 7 của Mỹ đang kiểm soát gắt gao ở vịnh Bắc Bộ. Cuối cùng ngày đi đã được quyết định là 21-3-1964.
Trưa hôm đó, tại nhà anh Hoàn đã đông đủ các đồng chí trong Đảng Đoàn Bộ công an. Cùng đi Nam chuyến đó với tôi có anh Nguyễn Hoàn, Tham mưu phó Công an vũ trang. Lần lượt anh Hoàn rồi từng đồng chí trong Đảng Đoàn Bộ (là những đồng chí đã cùng sát cánh với tôi từ khi bắt đầu thành lập Đảng Đoàn Bộ Công an năm 1957) chụp ảnh kỷ niệm với tôi. Từng người ôm hôn tôi trước khi chia tay. Đến Hải Phòng, sau khi vào Bộ Tư lệnh Hải quân, chúng tôi lên xe để ra Đồ Sơn. Xe ra thẳng bến và tàu đã nổ máy sẵn, chúng tôi mang đồ đạc xuống xong là tàu chạy ngay.
Tàu chúng tôi đi là loại tàu sắt, trọng tải khoảng 100 tấn, chuyên chở vũ khí, chỉ có cán bộ đặc biệt mới được đi cùng. Khoang dành cho chúng tôi nghỉ ở cuối tàu, đằng trước là hầm vũ khí, kế đến là nơi chỉ huy. Thuyền trưởng dặn nguyên tắc bí mật, không hỏi tên nhau, gọi nhau bằng thứ, và đóng giả tàu đánh cá, nếu gặp kiểm soát, tàu có vũ khí tự vệ và nếu bị lộ thì cuối cùng phải cho nổ tàu. Anh em còn dặn chúng tôi là chuyện say sóng, nôn ọe là bình thường nhưng phải cố gắng ăn, muốn ăn bao nhiêu cũng được để lấy sức. Tàu theo hướng hải phận quốc tế mà đi.
Đồng chí Nguyễn Tài, tức Tư Trọng, nguyên Ủy viên Ban An ninh miền Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (người đứng giữa)
Bữa đó sóng gió cấp 7, có lúc sóng đánh trùm qua cả tàu. Mới đi mà mọi người đã nôn ọe, chúng tôi nằm bẹp, trừ khi phải dậy đi vệ sinh. Được biết chuyến đó, chẳng riêng chúng tôi nôn ọe mà cả tàu; chỉ có đồng chí báo vụ là không sao.
Trước đây, tôi cứ tưởng tàu đi biển có la bàn là đủ, bây giờ mới hiểu tàu chạy còn bị sóng cản, gió đẩy nên không phải cứ nhìn tốc độ ở đồng hồ là biết tàu đi đến đâu. Tàu lớn có dụng cụ đo đạc hiện đại, còn tàu mà chúng tôi đang đi, muốn xác định tàu thực đi bao xa, đang ở đâu còn phải nhờ ở cái “lốc” đặt ngầm dưới nước. Chính sự cố cái “lốc” đã gây cho tàu chúng tôi những điều rắc rối sau đó và có nhiều chuyện bất ngờ không lường trước được trong hoạt động sau này của tôi ở miền Nam. Tàu chúng tôi có nhiệm vụ vào bến ở Trà Vinh. Nhưng việc đầu tiên xảy ra sau khi tàu mất cái lốc là đáng lẽ phải đi ngoài đảo Lý Sơn thì chúng tôi đã đi giữa đảo đó với đất liền.
Một sáng, ước chừng tàu đã đến địa phận Nam Bộ, chúng tôi thấy từ xa một tàu đánh tín hiệu đèn hỏi tàu chúng tôi. Thuyền trưởng cho lệnh không trả lời và cho tàu quay theo hướng hải phận quốc tế chạy ra để tránh tàu lạ. Thì ra, đáng lẽ phải đi phía ngoài Côn Đảo thì tàu chúng tôi đã đi nhầm vào giữa Côn Đảo và Vũng Tàu.
Cái tàu đánh tín hiệu đèn hỏi tàu chúng tôi có thể là tàu tuần tra của địch. Vào đến địa phận Nam bộ, thuyền trưởng ra lệnh cho tàu chạy vào bờ và chú ý quan sát tìm đèn biển Hòn Khoai làm chuẩn. Tối, tàu đã vào gần đất liền nhưng vẫn không thấy đèn Hòn Khoai. Anh em có người đoán hay là sông Hậu.
Vào gần đến bờ, bỗng nhiên tàu bị mắc cạn. Thì ra lúc đó nước còn ròng chưa lên lại. Anh em có người đoán hay là sông Hậu. Vào gần đến bờ, bỗng nhiên bị mặc cạn. Thì ra lúc đó nước còn ròng chưa lên lại. Anh em người dùng sào, người lội hẳn xuống nước thăm dò. Trước tình hình đó, thuyền trưởng hạ lệnh phải tìm cách quay ra biển xa đề phòng gặp địch. Ra khỏi chỗ mắc cạn khoảng 1km, anh em bỗng reo lên: “Đã thấy ánh đèn của Hòn Khoai”. Thì ra chỗ mà tàu vừa vào bị vướng bởi một doi đất, nó che lấp mất đèn biển Hòn Khoai. Thế là chắc ăn rồi. Mọi người yên tâm, phấn khởi, gặp bữa hú vía.
Tàu tiếp tục chạy. Đến khuya, thuyền trưởng cho lệnh chạy vào sát bờ để dễ tìm Rạch Gốc là bến định vào. Chạy dọc bờ biển hồi lâu, chúng tôi bỗng thấy từ trong bờ có ánh đèn lúc xanh, lúc đỏ không đều nhau. Rõ ràng là người của bến đón, đánh tín hiệu hỏi. Thuyền trưởng cho lệnh đánh đèn tín hiệu trả lời. Sau đó, vì đã quen bến, thuyền trưởng cho tàu rẽ vào một lùm cây. Thực ra đó là một con rạch, vừa rộng cho tàu vào, bên trên lá cây um tùm che khuất ánh trăng đang sáng tỏ. Tàu giảm tốc độ rồi dừng lại. Một chiếc xuồng nhỏ cập tàu và tàu thả thang dây cho người ở xuồng lên tàu.
Té ra là người quen. Người đó anh em trên tàu gọi là anh Ba Cụt vì anh bị cụt một tay. Sau có người nói với tôi anh Ba Cụt đã từng đi thuyền ra Bắc với các đồng chí lãnh đạo. Do không chịu nổi sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, anh ra Bắc xin Trung ương cho vũ trang đấu tranh. Nay lại trở về quê hương làm nhiệm vụ ở bến đón các chuyến tàu chở vũ khí tiếp tế cho phong trào miền Nam.
Hàn huyên một chút, anh Ba Cụt mới nói rằng: “Tàu các anh trả lời sai tín hiệu. Lẽ ra phải bắn, nhưng thấy dáng tàu đúng là của ta nên trong bờ không bắn, đợi vào xem sao”. Lại một phen hú vía! Không hiểu liên lạc điện đài ra sao. Anh Ba Cụt cho biết hôm nay cũng đón một tàu nữa. Vậy là tàu kia cũng sắp đến. Quả nhiên, chỉ một lát sau có một tàu nữa vào.
Anh em ở bến đưa chúng tôi đến chỗ nghỉ, còn vũ khí thì huy động lực lượng bốc dỡ. Nơi tạm trú của chúng tôi là những chòi làm trên cây đước. Từ chòi nọ sang chòi kia phải đi bằng “cầu khỉ” làm bằng những cây đước. Anh em làm cơm cá cho chúng tôi ăn. Ở miền Bắc hồi đó sử dụng tem phiếu. Kiếm được cá ăn không phải là ăn thả cửa. Tôi thấy bữa ăn nhiều cá quá, hỏi có phải anh em chiêu đãi khách mới đến hay sao mà nhiều thế, ăn không hết.
Anh em cười nói ở đây ngày nào cũng vậy, chỉ phải đặt lưới và đi thu gom là đủ cá ăn. Đêm ngủ, giăng mùng kỹ lưỡng mà sáng dậy vẫn thấy bị muỗi cắn. Một lần để ý thấy đồng chí nằm cạnh tôi để cùi tay sát mùng thì cả “một quả táo muỗi” lủng lẳng ở chỗ mùng sát cùi tay. Thì ra con muỗi đầu tiên bám vào tay rồi con sau đâm bám vào con trước tiếp tục hút máu. Cứ thế cả chùm muỗi to bằng một quả táo.
Khi đó tôi mới bắt đầu hiểu muỗi Cà Mau là thế nào. Tôi còn bị tình trạng người ta gọi là “say sang đất”. Ngồi, đứng cứ thấy trời đất nghiêng ngả y như lúc còn ở trên tàu. Mất mấy ngày như vậy rồi mới ổn định. 11 năm sau, sống và hoạt động ở Nam bộ dần dần giúp tôi hiểu nhiều hơn về miền đất ruột thịt này của Tổ quốc. Nhưng tôi không sao quên được những hình ảnh khi lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, mảnh đất biết bao đau thương và anh dũng, đồng thời cũng nhiều huyền thoại. Một giai đoạn chiến đấu mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi bắt đầu từ nơi đây.
Lưu Vinh (Ghi theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Tài)