Đến khi nào mới có thể bỏ trần lãi suất huy động?

(Kinhdoanhnet) - Có rất nhiều quan điểm cho rằng việc áp trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay đã không còn phù hợp, cơ quan này nên xem xét việc bỏ trần lãi suất để tự do hóa lãi suất là hợp lý.

Thời gian vừa qua, câu chuyện nên hay không nên dỡ bỏ trần lãi suất huy động đã trở thành một đề tài nóng trên các diễn đàn kinh tế tài chính.

Ngày 03/03/2011, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong khoảng thời gian gần 4 năm quy định về trần lãi suất huy động đã trải qua nhiều điều chỉnh cũng như cải tiến, bám sát với yêu cầu điều tiết và hiệu quả áp dụng của cơ quan quản lý.

Từ mức trần 14%/năm ấn định cho tất cả các lãi suất huy động vốn bằng VND của các tổ chức  và cá nhân được quy định trong Thông tư 02/2011/TT-NHNN, qua thời gian, các quy định về trần lãi suất đã trở nên cụ thể, phù hợp và thân thiện hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì có lẽ việc áp dụng trần lãi suất huy động đã không còn nhiều ý nghĩa khi mà trên thị trường, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã cơ bản dưới trần quy định mà NHNN đưa ra.

Vì vậy có nhiều quan điểm cho rằng việc áp trần lãi suất của NHNN đã không còn phù hợp, không những không có hiệu quả mà thậm chí còn bóp méo sự vận hành của thị trường tiền tệ bởi những nguyên lý thị trường đã bị dẹp bỏ trong sự tồn tại của trần lãi suất.

Trao đổi về vấn đề này T.S Cấn Văn Lực - Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV cho rằng đã đến lúc bỏ trần lãi suất. Bởi hiện nay thị trường tài chính ngân hàng khá ổn định, lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước ít tác dụng, nhất là trần lãi suất đầu vào. Đây là thời điểm thích hợp để bỏ biện pháp hành chính này đã duy trì trong nhiều năm qua.

"Hiện các ngân hàng không còn hiện tượng cạnh tranh lãi suất vô lối, nhưng ngân hàng cũng phải đồng thuận với nhau hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp từ 0,5-1%. Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét giảm tiếp lãi suất" - ông Lực đề nghị.

Đến khi nào mới có thể bỏ trần lãi suất huy động?
Đến khi nào mới có thể bỏ trần lãi suất huy động?

Cũng đồng quan điểm trên TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính Ngân hàng cũng cho rằng bây giờ là thời điểm thuận lợi để bỏ trần lãi suất. NHNN nên để lãi suất được cung cầu thị trường quyết định. Bởi lãi suất là giá của một loại hàng hóa đặc biệt, đó là vốn. Để giá của loại hàng hóa đặc biệt này được xác định bởi cung cầu của thị trường là phù hợp với cơ chế của một thị trường mở và hoàn hảo.

“Ngày trước, chúng ta lo sợ bỏ trần lãi suất sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng khát vốn đẩy lãi suất lên để thu hút huy động. Nay ế vốn vì cho vay khó khăn, chẳng ngân hàng nào dại gì tăng lãi suất huy động để tăng lỗ. Lợi dụng thời điểm này để tự do hóa lãi suất là hợp lý” – ông Hiếu chia sẻ.

Tuy nhiên, mới đây trong trả cuộc họp báo thường kỳ tháng 12/2014 trước câu hỏi có bỏ trần lãi suất huy động hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định điều hành công cụ lãi suất còn phụ thuộc nhiều vào vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Năm nay, lạm phát dự báo chỉ khoảng tren 2%, song lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đặt ra trong năm 2015 vẫn là 5%. Ngoài ra hiện nay nhiều tổ chức hạ lãi suất thấp hơn so với trần quy định, các tổ chức có lợi thế có thể huy động thấp hơn, các tổ chức tín dụng nhỏ có thể huy động ở mức sát trần. Mức trần tạo ra sự linh hoạt về lãi suất theo cung cầu vốn trên thị trường.

“Do đó, NHNN tiếp tục duy trì trần lãi suất với lãi suất huy động ngắn hạn như một barie để các ngân hàng có lợi thế quy mô, cạnh tranh huy động thấp hơn. Còn tổ chức nhỏ hơn có thể huy động gần trần cho phép mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt trong huy động, cũng như phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường. Việc bỏ trần lãi suất phải cân nhắc trên nhiều yếu tố như: ổn định vĩ mô, an toàn hoạt động ngân hàng và khả năng kiểm soát mọi vấn đề. Khi có đủ điều kiện thuận lợi, NHNN rất muốn bỏ trần lãi suất” – Bà Hồng chia sẻ.

Như vậy, đại diện cơ quan điều hành “huyết mạch” kinh tế của cả nước đã len tiếng công khai “mong muốn” được bỏ đi chiếc barie mang tên lãi suất tối đa, tuy nhiên sẽ bỏ trần vào thời gian nào thì vẫn đang còn là một ẩn số.

Hoàng Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục