Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhiều doanh nghiệp xin đầu tư

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng tuyến từ 4 làn xe lên 8 làn xe nhằm giải quyết tình trạng quá tải và phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp xin đầu tư mở rộng tuyến cao tốc trên.

Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) TP.HCM vừa có văn bản tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Theo đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp cùng các bộ ngành và các tỉnh, thành phố liên quan gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang để thống nhất kế hoạch, phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo hình thức đối tác công tư (PPP) và giao cho một địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan có thẩm quyền.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng từ 4 làn lên 8 làn xe.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng từ 4 làn lên 8 làn xe.

Được biết, cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài gần 62km, quy mô 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp được khởi công năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010. Tuyến cao tốc đưa vào hoạt động và thu phí từ năm 2014 đến cuối năm 2018.

Đầu năm 2019, tuyến cao tốc dừng thu phí do đó lượng xe trên tuyến tăng đột biến, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp, người dân phá rào vào cao tốc bắt xe diễn ra thường xuyên.

Do đó, chủ trương đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương nhằm giải quyết được tình trạng quá tải, góp phần lưu thông, phát triển thế mạnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đối với việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp xin đầu tư mở rộng dự án.

Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe với tổng vốn hơn 5.300 tỷ đồng.

Trong đó đề xuất, giao tỉnh Long An giữ vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) do tuyến đường chủ yếu nằm trên tỉnh này (28,5km) và đã giải phóng mặt bằng cho 8 làn xe.

Trong 5.300 tỷ đồng tổng vốn đầu tư, doanh nghiệp này tính toán vốn ngân sách tham gia là 2.650 tỷ đồng (chiếm 50%), vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 406 tỷ đồng và vốn từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là 2.300 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 1 để tạo vốn xây dựng giai đoạn 2. Trước mắt, ngân sách nhà nước sẽ không phải bỏ ra ngay mà sẽ trả chậm trong 10 năm sau khi thu phí. Nhà đầu tư sẽ huy động vốn tự có và các nguồn vốn khác để thực hiện dự án trước với mục tiêu hoàn thành năm 2025.

Nhiều doanh nghiệp xin đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm giải quyết tình trạng quá tải và phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhiều doanh nghiệp xin đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm giải quyết tình trạng quá tải và phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài Tập đoàn Đèo Cả, trước đó liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt cũng kiến nghị Bộ GTVT cho phép chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo phương thức PPP.

Trong đề xuất gửi đến Bộ GTVT, liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt tự giới thiệu đều là những công ty có năng lực trong thi công xây dựng hạ tầng, xây dựng dân dụng và công nghiệp, đầu tư phát triển dự án bất động sản, công nghiệp.

Theo liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt, số liệu tham khảo từ các cơ quan quản lý ngành giao thông vận tải cho thấy tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang bị mãn tải (hết công suất khai thác).

Do vậy, liên danh xin Bộ GTVT xem xét cho phép được chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án "Đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương" theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Liên danh này cam kết sẽ tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp các báo cáo không được phê duyệt, liên danh cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, tuyến nối Bình Thuận – Chợ Đệm và Tân Tạo – Chợ Đệm mặt cắt ngang 6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ. Dự án được dự kiến mở rộng quy mô 8 làn xe giai đoạn sau năm 2020.

Trong giai đoạn 1, dự án đã đầu tư tuyến chính 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp; tuyến nối Bình Thuận – Chợ Đệm và Tân Tạo – Chợ Đệm đã đầu tư 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Việc giải phóng mặt bằng được thực hiện theo mặt cắt ngang quy hoạch, rất thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng sau này.

Thanh Thảo

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục