Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu xuống 10%

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu từ mức 20% xuống còn 10% trong bối cảnh giá xăng tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính vừa có tờ trình lấy ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp đối với dự thảo nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu từ 20% xuống còn 10%.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu từ 20% xuống còn 10%.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án trước đó đã gửi xin ý kiến (giảm từ 20% xuống 12%).

Việc điều chỉnh này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các FTA mới trong tương lai và không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên Bộ Tài chính đề nghị giữ như mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN như hiện hành.

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hiện hành, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

Bộ Tài chính đánh giá, đối với tác động về thu ngân sách nhà nước, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%). Riêng 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD và cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.

Như vậy, có thể thấy với tỷ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp. Trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.

Trường hợp việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xuống 10% dẫn đến việc doanh nghiệp chuyển hướng sang nhập khẩu các sản phẩm này từ các quốc gia khác ngoài ASEAN, Hàn Quốc, thì có thể làm tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, mức tăng thu sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường và khả năng tiếp cận nguồn cung cũng như xu hướng chuyển hướng nhập khẩu của doanh nghiệp sang các thị trường mới.

Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn). Trong khi đó, ở nước ta, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn, thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.

Theo tính toán, với việc tỷ trọng xăng E5RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước (tính theo số liệu quý 2/2022) và hiện nay xăng đang được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp.

Tuy nhiên, việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

An Nhiên

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục