Trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 có đề xuất về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không đưa ra lời khai chống lại chính mình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với việc dự thảo quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự dotrình bày lời khai, trình bày ý kiến”, nhưng không tán thành với việc quy định những người này “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” vì tạo ra nhận thức khác nhau và chưa nêu bật được mục đích, yêu cầu chống bức cung, dùng nhục hình.
Để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng: “Trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can”.
Bộ Công an đề nghị không quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, VKSND Tối cao giải trình: Quy định về việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, ngoài ý nghĩa tăng cường sự minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động hỏi cung, còn là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật. “Đây cũng là yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, của nhân dân thời gian qua. Vì vậy, VKSND Tối cao đề nghị quy định vấn đề này trong Bộ luật” - báo cáo của VKSND Tối cao khẳng định.
Trước đó, dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi có 483 điều với 9 phần 38 chương. So với bộ luật hiện hành, dự thảo tăng thêm 137 điều, trong đó bổ sung 166, sửa đổi 290, giữ nguyên 27 và bãi bỏ 19 điều.
Một trong những quy định của dự thảo nhận được nhiều ý kiến tranh luận nhất tại phiên thẩm tra, là đề xuất bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình trong khi hỏi cung bị can. Tài liệu này có thể được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết (Điều 174). Theo cơ quan soạn thảo, đây là quy định thiết thực nhằm chống bức cung, nhục hình, mớm cung, giảm oan sai trong hoạt động tố tụng.
Lan Anh (Th)