Đề xuất đánh thuế theo hàm lượng đường trong đồ uống

Bộ Y tế đề xuất áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường trong 100ml đồ uống. Cụ thể, sẽ có quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế. Nếu hàm lượng đường vượt ngưỡng này đánh theo mức đường càng nhiều, thuế càng cao.

Ngày 23/3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế - cho biết, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng tiêu dùng các dòng sản phẩm nước ép trái cây, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền rất cao. Dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% trong 5 năm nữa. Điều này có thể cho thấy, trong tương lai không xa, các sản phẩm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, căn nguyên gây béo phì và bệnh không lây nhiễm là việc  sử dụng đường không có kiểm soát, đặc biệt là tiêu thụ đồ uống có đường ở cả người lớn và trẻ em. Ông đánh giá cần phải xây dựng danh mục thực phẩm lành mạnh để trẻ em không bị lôi cuốn theo thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.

Bộ Y tế đề xuất đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100ml đồ uống.
Bộ Y tế đề xuất đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100ml đồ uống.

Từ thực trạng trên, Bộ Y tế cho rằng, cần áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường. Tuy nhiên, nếu chỉ truyền thông thôi thì hiệu quả không cao và cần rất nhiều năm để có thể thay đổi được thói quen người tiêu dùng.

"Thuế và giá là biện pháp mạnh cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm" - bà Trần Thị Trang nói và đề xuất cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Do vậy, Bộ Y tế đề xuất áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường, cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100ml đồ uống. Sẽ có quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế. Nếu hàm lượng đường trên ngưỡng này đánh theo mức đường càng nhiều, thuế càng cao.

Một số sản phẩm dinh dưỡng gồm sữa, các sản phẩm sữa, các sản phẩm từ sữa... có hàm lượng đường thấp (ví dụ như sữa ít đường) được đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Tuy nhiên, tại hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ CôngThương) cho biết cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thời điểm áp dụng vì ngành giải khát hiện cũng đang gặp không ít khó khăn.

"Thời điểm áp dụng việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc cho phù hợp; cần được xem xét theo đúng quy trình bao gồm cả việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, đảm bảo đánh giá kỹ lưỡng đầy đủ và có sự thống nhất" - đại diện Bộ Công Thương nói.

Trước đó, dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đưa “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỷ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng.

Đồ uống có đường, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào), gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây rau củ, đồ uống từ trái cây rau củ dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.

Theo các chuyên gia y tế, đồ uống có đường liên quan đến nhiều bệnh tật không lây nhiễm hiện nay, như thừa cân béo phì, sâu răng, đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa, một số bệnh ung thư.

WHO cũng khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại đến sức khỏe.

Hoàng Tư

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục