Liệu có xóa đúng “chỗ cần xóa”?
Theo Bộ Tài chính, số tiền 13.064 tỉ đồng bao gồm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, hộ kinh doanh đã bỏ kinh doanh, chủ doanh nghiệp gặp tai nạn khách quan. Cụ thể, con số này, tính đến cuối năm 2013 ước khoảng 9.110 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, số tiền nợ thuế, phạt thuế lên tới 13.064 tỉ đồng.
Theo đó, chỉ những hộ kinh doanh đã bỏ kinh doanh, được Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố, các cơ quan Thuế cấp tương đương có văn bản xác nhận đã phá sản, bỏ kinh doanh, không còn khả năng thu hồi nợ sẽ trong diện được xem xét xóa nợ thuế và chậm nộp thuế. Mặt khác, những đơn vị nộp đủ tiền nợ thuế trước ngày 31/12/2015 sẽ đủ điều kiện để xóa nợ tiền chậm nộp thuế. Những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không được xoá nợ tiền chậm nộp thuế.
Ngay khi Báo cáo của Bộ Tài chính vừa được trình Chính Phủ, đã thu hút được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong nước. Đề xuất đã mở ra cho những hộ kinh doanh đang gặp khó khăn, bế tắc về vốn những cơ hội hồi sinh và phát triển. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại rằng, Chính phủ sẽ không thực sự đáp ứng đúng và đủ theo nguyện vọng của doanh nghiệp. Khó khăn của các doanh nghiệp tư nhân không được giải quyết triệt để, trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước làm thất thoát tiền thuế của dân sẽ nghiễm nhiên được xóa nợ (!?).
Liên quan đến công tác quản lý nợ thuế, Thống kê từ Tổng cục Thuế cho biết, tính đến nay, số tiền nợ thuế đã truy thu được là hơn 39.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số nợ thuế tính đến cuối năm 2015 vẫn lên đến gần 70.000 tỉ đồng.
Trong năm 2016, theo nhiệm vụ ngân sách Nhà nước được Quốc hội, Chính phủ giao, dự toán số tiền thuế phải thu là 809.500 tỉ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 755.000 tỉ đồng, dầu thô khoảng 54.500 tỉ đồng. Để đạt chỉ tiêu, số thu của ngành thuế phải đạt tối thiểu 21 – 22% GDP. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cần cơ cấu lại nguồn thu để đảm bảo bội chi không quá 4% và nợ công không quá 65%, nguồn thu nội địa phải đạt trên 80% thay vì mức 70% như 5 năm qua.
Mục tiêu đặt ra là vậy, nhưng trên thực tế, việc truy thu nợ thuế và phạt chậm nộp thuế luôn là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm. Những trăn trở, bức xúc giữa doanh nghiệp chịu thuế với chính sách thuế dường như chưa bao giờ hết “nóng”.
Những động thái của Bộ Tài chính có giúp cất đi gánh nặng "phí chồng phí" của doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Thuế và phí chồng phí khiến doanh nghiệp “kiệt sức”
Trước đó, ngày 26/2, Hội nghị Thuế toàn quốc đã có dịp ghi nhận nhiều bức xúc của các doanh nghiệp trong vấn đề miễn thuế, trừ thuế và gia hạn thuế.
Ông Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh phản ánh quy định các doanh nghiệp có nợ thuế sẽ được phân kỳ trả nợ dần nếu được ngân hàng bảo lãnh hiện đang không khả thi, không thực tế, vì ngân hàng nào cũng né tránh việc bảo lãnh nợ thuế cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Tổng cục và Chi cục Thuế chưa có một tiêu chí rõ ràng về nộp thuế phân kỳ. Chính sự rối rắm này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn “tử tế” có nguy cơ phá sản, hàng nghìn lao động chính có nguy cơ thất nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai chia sẻ, năm nào Đồng Nai cũng gặp tình trạng hồ sơ hoàn thuế đã xong nhưng phải ngồi chờ… hạn mức. Để chia sẻ với doanh nghiệp địa phương, Cục Thuế Đồng Nai đã chia nhỏ số tiền hoàn thuế làm nhiều kỳ, để doanh nghiệp có khả năng hoàn thuế, nhưng điều này lại không phù hợp với hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Ông Công cũng than phiền, pháp luật về chuyển giá hiện mới chỉ dừng ở Thông tư, không đủ cơ sở luật hóa để hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc truy thu ngân sách.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại, quy định mới gộp cả phụ cấp vào lương đã khiến mức đóng BHXH của doanh nghiệp tăng cao. Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn cho biết, năm 2016, số tiền BHXH mà Garmex phải nộp cho 4.300 lao động đang làm việc tại công ty tăng thêm 6,7 tỉ đồng so với quy định cũ. Chưa dừng ở đó, đến năm 2018, nếu áp dụng việc đóng BHXH theo mức lương thực trả (bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), mức đóng BHXH của doanh nghiệp này sẽ tăng lên xấp xỉ 19 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với mức đóng trước đó, chưa kể bao nhiêu loại phụ phí “ăn theo” và dùng để bôi trơn.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, ngoài các khoản thuế, trong thực tế doanh nghiệp còn phải đóng góp hàng trăm loại phí khác, như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành… Nếu tính chi li, doanh nghiệp có thể phải dành tới 40% doanh số kinh doanh cho việc nộp thuế, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp “kiệt sức”.
Giải tỏa những bức xúc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, việc xóa nợ thuế, tiền phạt nộp chậm thuế là điều cần làm và phải làm trong thời gian tới. Bởi theo thống kê từ Bộ Tài chính, hiện cả nước còn khoảng 900 tỉ đồng tiền nợ thuế, nhưng nếu chia đều cho các doanh nghiệp đã bị khai tử, mỗi doanh nghiệp đó chỉ gánh bình quân 12 triệu đồng/doanh nghiệp, số tiền này “lắt nhắt” nên khó thu hồi. Đối với các chủ hộ kinh doanh bị chết, bị mất tích, tai nạn đột ngột, Nhà nước cần có chính sách xóa bỏ ngay nợ, không truy thu nợ từ thân nhân của những người này.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, cần tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, dựa vào sản xuất kinh doanh để bù hụt thu ngân sách Trung ương. Số nợ thuế 70.000 tỉ đồng có thể coi là con số bất khả kháng, Trung ương xử lý khoảng 25.000 tỉ đồng, số còn lại 63 tỉnh thành khác phải có trách nhiệm truy thu. Bên cạnh việc truy thu nợ thuế, việc tập trung thanh tra, chống chuyển giá thuế cũng cần được coi là một nhiệm vụ quan trọng, phấn đấu thanh tra, kiểm soát trên 13.000 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 10.000 tỉ đồng.
N.Hạnh (tổng hợp)