Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB

(Kinhdoanhnet) - Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (Ngân hàng MHB), Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng MHB (Công ty MHBS).

 

Theo đó, Cơ quan CSĐT đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao truy tố bị can Huỳnh Nam Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT MHB, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty MHBS. Theo tài liệu cơ quan điều tra, trước đó bị can Dũng là người góp 8,12% vốn điều lệ vào MHBS. Bị can Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng giám đốc; Bùi Thanh Hưng, nguyên Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Văn Thanh, nguyên Kế toán trưởng ngân hàng MHB; Lữ Thị Thanh Bình, Đặng Văn Hòa, nguyên Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Cty MHBS và 11 bị can khác có liên quan về hai tội danh nêu trên.

 

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB - Ảnh 1
Ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên chủ tịch MHB bị khởi tố

 

 

Theo điều tra, Ngân hàng MHB thành lập năm 1998, trước khi sáp nhập vào Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam có trụ sở chính tại quận 3, TP.HCM. Tháng 12/2006, Ngân hàng MHB thành lập Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng MHB, trong đó Ngân hàng MHB chiếm 60% vốn điều lệ.

Tháng 11/2010, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng MHB phát hiện Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng MHB thua lỗ liên tiếp. Ngoài ra, công ty còn mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh chứng khoán như cho khách hàng mua chứng khoán trả chậm, vay tiền thông qua hợp tác đầu tư…

Để tạo doanh thu, Huỳnh Nam Dũng đã chuyển vốn từ Ngân hàng MHB sang Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng MHB dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ. Sau đó, tiền được gửi có kỳ hạn tại các chi nhánh MHB để hưởng lãi suất chênh lệch.

Cơ quan chức năng xác định việc chuyển vốn trên vi phạm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, vi phạm Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khiến Ngân hàng MHB thiệt hại nhiều tỷ đồng. Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng MHB và nhiều tổ chức, cá nhân đã bỏ túi từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.

 

Ngoài ra, Công ty MHBS còn mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, thậm chí còn cho khách hàng mua chứng khoán trả chậm tiền, cho khách hàng vay tiền thông qua hợp tác đầu tư, sử dụng 3 tài khoản đứng tên cá nhân làm tài khoản tự doanh sử dụng tiền vốn của Công ty để kinh doanh chứng khoán gây thua lỗ nghiêm trọng…

 

Vì có quyền lợi cổ phần tại MHBS nên ông Huỳnh Nam Dũng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản có (Hội đồng ALCO) đã tổ chức cuộc họp với các thành viên trong Hội đồng ALCO thống nhất chuyển vốn từ Ngân hàng MHB sang Công ty MHBS dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ. Từ đó Công ty MHBS sử dụng gửi có kỳ hạn tại chính các chi nhánh MHB hưởng chênh lệch lãi suất. Đồng thời Công ty MHBS sử dụng chính nguồn vốn của Ngân hàng MHB tạm ứng tiền cho các công ty trung gian để thực hiện việc mua bán trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng MHB, sau đó bán lại cho Công ty MHBS. Bằng cách làm này, Công ty MHBS được hưởng lợi hơn 60,8 tỷ đồng và một số công ty khác liên quan hưởng lợi hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty MHBS còn có một số vi phạm khác trong quản lý, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Hậu quả, Ngân hàng MHB đã bị thiệt hại số tiền gốc là 272 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị can Huỳnh Nam Dũng bị cơ quan CSĐT xác định gây thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền cả gốc lẫn lãi là gần 299 tỷ đồng.

Thu Hà (TH theo Dân trí, Báo Giao thông, Zing)


 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục