Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 với kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa dù ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư toàn cầu đang “phát cuồng” với kênh đầu tư này khiến giá vàng liên tục lập đỉnh mới.
Kết quả kinh doanh của PNJ nửa đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng đáng kể do dịch Covid-19.
Tháng 4 thua lỗ “ăn mòn” lợi nhuận cả quý 2
Cụ thể, trong quý 2/2020, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.744,8 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Giá vốn giảm nhưng vẫn chiếm tỉ trọng cao (chiếm đến gần 83% tổng doanh thu thuần). Theo đó, lợi nhuận gộp trong kỳ của PNJ còn lại 473,5 tỷ đồng, bằng 74,5% so với cùng kỳ.
Trong kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của PNJ còn bị âm và chi phí tài chính tăng gần gấp đôi (chủ yếu do chi phí lãi vay), chi phí bán hàng cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Tuy cắt giảm được chi phí quản lý doanh nghiệp từ 116,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái xuống mức 96,3 tỷ đồng trong quý 2 năm nay song tổng kết lại, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn sụt giảm mạnh doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần của PNJ trong quý 2/2020 sụt giảm gần 80% so với quý 2/2019, chỉ còn đạt 42,8 tỷ đồng. Phần lợi nhuận khác tiếp tục âm và do vậy, lãi kế toán trước thuế của PNJ không được cải thiện, đạt 42,7 tỷ đồng, bằng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Trừ đi chi phí thuế TNDN, lãi sau thuế trong quý 2 của PNJ đạt 31,7 tỷ đồng, giảm 137,5 tỷ đồng tương ứng giảm 81,3% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh bất lợi của PNJ trong tháng 4/2020
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết quả kinh doanh của PNJ bị sụt giảm mạnh trong quý 2, theo lý giải của ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ, đó là do tình hình dịch Covid-19 khiến PNJ phải tạm đóng cửa phần lớn các cửa hàng trong nửa đầu tháng 4/2020 và dần mở cửa hoạt động lại vào nửa cuối tháng.
Theo đó, doanh số bán lẻ trong tháng 4 bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy vậy, doanh số trang sức được cho biết là đã phục hồi tích cực trong tháng 5 và tháng 6/2020 sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong tháng 5/2020, PNJ đã ghi nhận mức doanh thu thuần lên tới 1.019 tỷ đồng và lãi sau thuế 47 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình tiếp tục cải thiện trong tháng 6 với doanh thu thuần tăng 4% lên 1.227 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 6% lên 82 tỷ đồng.
Còn trước đó, PNJ đã phải báo lỗ ròng 89 tỷ đồng và doanh thu suy giảm 47% so với cùng kỳ trong tháng 4/2020.
Tại văn bản giải trình, ông Lê Trí Thông cũng cho biết, trong quý 2 vừa qua, chi phí lãi vay thực hiện của PNJ ở mức 44,2 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vốn lưu động phục vụ kinh doanh trong kế hoạch ứng phó dịch Covid-19. Điều này cũng tác động tiêu cực lên lợi nhuận năm 2020 của PNJ.
Các chỉ tiêu kinh doanh của PNJ giảm mạnh trong quý 2/2020
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, PNJ đạt 7.745,7 tỷ đồng doanh thu thuần, xấp xỉ kết quả của cùng kỳ 2019 nhưng lợi nhuận trước thuế giảm gần 199 tỷ đồng còn 554,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn 439,9 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, PNJ hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu năm 2020 và cũng hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Doanh thu bán lẻ bị ảnh hưởng do đại dịch
Tại ngày 30/6/2020, giá trị hàng tồn kho của PNJ xấp xỉ 6.430 tỷ đồng và giảm khoảng 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã mở mới 14 cửa hàng và nâng cấp 2 cửa hàng Gold, đồng thời cũng đóng cửa 22 cửa hàng; mở mới 20 cửa hàng đồng hồ. Tổng số cửa hàng của thương hiệu này tại thời điểm cuối tháng 6/2020 là 339 cửa hàng.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích tại VDSC, đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến PNJ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến doanh thu vào ngày Thần Tài, ngày Valentine và ngày Quốc tế phụ nữ giảm sút. Ngay trong tháng 3, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm mạnh 33% so với cùng kỳ chủ yếu do mảng bán lẻ suy yếu.
Trong tuần cuối cùng của tháng 3, PNJ đã phải đóng cửa 85% các cửa hàng hầu hết tại TPHCM và Hà Nội nhằm tuân thủ lệnh giãn cách từ Chính phủ. Từ ngày 23/4, PNJ đã dần mở cửa hầu hết các cửa hàng đã đóng.
Đơn vị: tỷ đồng
Theo VDSC, đại dịch đã dấy lên nhiều lo ngại về triển vọng tăng trưởng của PNJ vì động lực lợi nhuận chính - mảng bán lẻ trang sức vàng đang chịu ảnh hưởng nặng nề (bán lẻ trang sức vàng đóng góp gần 90% lợi nhuận gộp năm 2019).
Ngay cả sau khi đại dịch kết thúc, tác động tiêu cực lên thu nhập khả dụng của người tiêu dùng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến doanh thu bán lẻ.
Mặc dù vậy, chuyên gia VDSC vẫn tin rằng hãng trang sức này có thể vượt qua các thách thức nêu trên nhờ bảng cân đối kế toán lành mạnh và cải thiện hiệu quả hoạt động nhờ hệ thống ERP mới ra mắt vào năm ngoái.
“Triển vọng dài hạn vẫn sẽ tươi sáng khi PNJ duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành trang sức Việt Nam vốn còn non trẻ và tiềm năng tăng trưởng chi tiêu đến từ tầng lớp trung lưu vẫn còn rất nhiều” - theo VDSC.
Theo Mai Chi/Dân trí