Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, MCK: PDR) vừa công bố báo cáo tài chính với kết quả kém khả quan. Theo đó, quý III/2022, doanh thu thuần của Phát Đạt ở mức 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 1.268 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 99%.
Dù là "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc, nhưng nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản trong quý gần nhất chỉ đạt 8 tỷ đồng trong số này, còn lại là cung cấp dịch vụ.
Doanh thu sụt giảm, tuy nhiên, Phát Đạt vẫn thoát lỗ ngoạn mục, thậm chí ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 711 tỷ đồng. Nguyên nhân do có doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến đạt hơn 1.249 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng 46% vốn chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn KL cho đối tác.
Dù vậy, nợ phải trả của PDR tiếp tục tăng từ 12.407 tỷ đồng lên con số 15.396 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn hơn 11.399 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 3.996 tỷ đồng.
Việc nợ phải trả ngắn hạn ở mức 11.399 tỷ đồng khiến Phát Đạt có thể rơi vào khó khăn khi mà vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ ở mức 10.402 tỷ đồng – không đủ để trả nợ ngắn hạn.
Hơn thế nữa, chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của PDR đang ở mức cao gần 1,5 lần khiến cho việc trả nợ của công ty này càng thêm khó khăn.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của PDR là việc doanh nghiệp này đã sử dụng khoảng 126 triệu cổ phiếu PDR được sở hữu bởi các cổ đông làm tài sản đảm bảo cho 11 đợt phát hành trái phiếu PDR kể từ năm 2021 đến nay, với tổng giá trị phát hành lên đến 2.847 tỷ đồng (dư nợ đến ngày 30/9/2022).
Đáng nói, 10/11 lô trái phiếu này có thời hạn đáo hạn trong năm 2023, lô trái phiếu còn lại có thời gian đáo hạn vào tháng 3/2024. Ngoài ra, 31 triệu cổ phiếu PDR cùng với một số bất động sản tại Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương được thế chấp tại các nhà băng với tổng nợ tài chính 1.148 tỷ đồng.
Tính đến hết quý III/2022, nợ vay tài chính PDR đạt 5.265 tỷ đồng, tăng 54% sau 9 tháng. Nợ vay lớn khiến Phát Đạt phải trả hơn 363 tỷ đồng lãi suất vốn vay từ đầu năm. Chủ nợ lớn của Phát Đạt là các nhà băng như VietinBank, Vietcombank, MBBank... với dư nợ lên tới 1.148,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh âm hơn 1.785 tỷ đồng. Trong đó, tiền lãi vay đã trả trong kỳ lên đến 109 tỷ đồng.
Có thể thấy, áp lực từ đáo hạn trái phiếu của PDR trong thời gian tới là rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh doanh thu và cổ phiếu lao dốc, dòng tiền âm nặng.
Những ngày qua, cổ phiếu PDR liên tục giảm sàn và trắng bên mua. Tính trong 10 phiên giao dịch gần đây nhất (từ 27/10 đến 9/11/2022) cổ phiếu PDR giảm từ 45.400 đồng xuống còn 30.200 đồng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã công bố thông tin về việc bán giải chấp 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings từ ngày 7/11. Đây là cổ đông lớn thứ 2 tại Phát Đạt. Số cổ phiếu dự kiến sẽ bán giải chấp tương đương gần 10% số lượng cổ phiếu PDR mà Phát Đạt Holdings đang nắm giữ.
Cũng theo TVSI, công ty này cũng sẽ bán giải chấp là 750.000 cổ phiếu PDR của Chủ tịch HĐQT Bất động sản Phát Đạt - ông Nguyễn Văn Đạt từ ngày 7/11. Ông Đạt hiện nắm giữ hơn 332 triệu cổ phiếu PDR, tương đương hơn 49%.