Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh cần có giải pháp cụ thể

Lãi suất tiếp tục hạ nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn thấp cho thấy hiệu lực chính sách tiền tệ trong kích cầu hiện nay rất yếu. Việc thúc đẩy tăng trưởng, gỡ khó cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa… là những vấn đề được đem ra luận bàn tại Quốc hội thời gian tới đây.

Từ giữa năm 2013, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu phục hồi, nên việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 có nhiều thuận lợi hơn. Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2014 tăng 0,2% so với tháng 4/2014, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,73% so với cùng kỳ.

Về xuất khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 56,86 tỷ USD, tăng 9,6%. Xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD, bằng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về thu chi ngân sách Nhà nước, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5/2014, tổng thu ngân sách NN ước đạt 326,14 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 370,92 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% dự toán. Tiến độ thực hiện dự toán thu năm nay đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Về vốn đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ODA giải ngân ước đạt 561 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, so với cùng kỳ năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm ước tăng 5.6%, cao hơn mức tăng 4,9% cùng kỳ năm 2013; Sản xuất nông nghiệp phát triển thuận lợi và đạt và đạt được nhiều kết quả, sản lượng và năng suất vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao so với cùng kỳ. Khó khăn trong chăn nuôi từng bước được tháo gỡ và có chuyển biến; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2014 ước tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; Khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 3,75 nghìn triệu lượt người, tăng 26,1%.

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh cần có giải pháp cụ thể - Ảnh 1

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định cần quan tâm đến việc xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Thực tế, tổng cầu nội địa còn yếu, lượng hàng tồn kho bình quân giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn ngưỡng thông thường các năm khoảng 65%; nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản; nợ công ngắn hạn đến hạn và quy mô trả nợ ngày càng lớn. Trong những tháng đầu năm nay, tổng cầu vẫn chưa được cải thiện; lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn tiếp tục phát sinh những dấu hiệu đáng lo ngại; sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các ngành, sản phẩm, cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới có tăng, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với tỷ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Nhưng có thể thấy, vấn đề đặt ra là không chỉ tăng tổng cầu, tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, hay tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Đồng thời, diễn biến phức tạp trên Biển Đông có tác động đến nền kinh tế nước ta, nhưng không phải tác động toàn diện, mà chỉ với một số lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp... Thực tế, sau 10 năm sau khi Hiệp định ASEAN+3 có hiệu lực (2000-2010), xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng 25 lần, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 5 lần. Và trong những năm qua, các bộ, ngành đã phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp để xúc tiến tìm những thị trường xuất khẩu mới.

Nền kinh tế vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2014, chúng ta phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và phải cố gắng rất nhiều. Ðiều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, các cơ quan thừa hành nhiệm vụ của Chính phủ. Tiếp đến là phải vực dậy sản xuất ở tất cả các khối, lực lượng doanh nghiệp trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và các hộ sản xuất trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để vừa kiềm chế được lạm phát, vừa phát hành trái phiếu Chính phủ theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ðặc biệt, trong thời gian tới, cần sự đột phá về cải cách hành chính, bởi vì cải cách khu vực này không tốn nhiều về nguồn vốn, vốn đòi hỏi ở đây chỉ là con người. Phải tạo động lực, áp lực, trách nhiệm đối với các cơ quan thừa hành nhiệm vụ của Chính phủ, giao việc rõ ràng, có kế hoạch cụ thể… Cùng với đó, tăng cường tạo lập các thể chế thúc đẩy khơi thông nguồn lực, giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước và thị trường. Từ đó, tạo đồng thuận và củng cố niềm tin của người dân

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh cần có giải pháp cụ thể - Ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Về tình hình biển Đông hiện nay, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2014 tại Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, Lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”. Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, lại đều là thành viên của WTO và các Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực; là hai nước láng giềng có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Trung Quốc là hoàn toàn tự nhiên trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc; đồng thời Việt Nam đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới. Việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Mặt khác, đây là cơ hội cho chúng ta đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, thay cho tình trạng ngay cả những vật dụng trong nước thừa sức đáp ứng cũng phải nhập. Bởi để hạn chế nhập khẩu những vật dụng nhỏ, trong nước có thừa khả năng sản xuất không thể chỉ bằng chính sách của Nhà nước, mà còn là từ ý thức của mỗi người dân. Song có thể thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký khởi sự thấp cũng do lòng tin giảm, sự lo ngại về thất bại khi kinh doanh. Vì vậy, đại biểu Quốc hội cần thảo luận tập trung để tìm giải pháp cho đẩy mạnh sản xuất trong nước, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu này.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục