Giới đầu tư đón đầu xu thế mới
Nhiều năm trở lại đây, sở hữu bất động sản có thời hạn đang trở thành một xu thế mới trong giới đầu tư. Nguyên nhân một phần bởi nguồn cung từ bất động sản lâu dài đang ngày càng hạn chế. Bất động sản lâu dài không còn là lựa chọn duy nhất của nhà đầu tư, thay vào đó là các căn nhà chung cư, các căn hộ thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng… có thời hạn sở hữu 50 năm hay 70 năm tùy loại hình.
Tại hội thảo “Xu thế sở hữu bất động sản: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” vừa diễn ra, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chế độ sử dụng đất có thời hạn có ưu điểm là làm cho người sử dụng đất đai có trách nhiệm hơn, luôn muốn sử dụng triệt để trong thời hạn mình đã bỏ tiền ra để được sử dụng đất, tránh được hiện tượng đầu cơ đất đai và tích trữ nguồn lực tài chính vào đất đai”.
Tiếp tục quan điểm trên, ông Đặng Hùng Võ cho biết thêm: “Cơ chế bền vững nhất là đất đai được sử dụng có thời hạn dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Người sử dụng đất có trách nhiệm cao về sử dụng, hiệu suất sử dụng đất cũng cao, giảm chi phí đất đai trong sản phẩm hàng hóa, nguồn thu ngân sách ổn định”.
Khi thời gian sở hữu đã không còn là vấn đề ưu tiên hàng đầu, nhà đầu tư chuyển hướng quan tâm của mình sang chất lượng của bất động sản. Đối với bất động sản có thời hạn, thường các nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý đến các yếu tố như giá thành, chất lượng công trình hay các hạ tầng đồng bộ…
Về mặt chi phí đầu tư, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam bà Dương Thùy Dung nhận định, phần lớn bất động sản có thời hạn đến từ phân khúc nghỉ dưỡng và phân khúc này chỉ có hạng sang cao cấp hoặc mức cao của trung cấp, hầu như không có bình dân. Điều này khiến chi phí vốn đầu tư khá cao.
“Tuy nhiên khả năng lấp đầy của các sản phẩm nghỉ dưỡng này rất tốt. Các sản phẩm như condotel thì thuê theo ngày và mức giá ở các mùa cao điểm, cuối tuần… được điều chỉnh rất linh hoạt. Nếu có thêm đơn vị quản lý chuyên nghiệp, mức giá cho thuê có thể cao hơn 10-15% và do đó, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn vì lợi nhuận thường tốt hơn cho thuê đối với căn hộ truyền thống”, bà Dung cho hay.
Ngành du lịch phát triển trải thảm cho bất động sản du lịch tăng tốc
Trong các loại hình bất động sản có thời hạn hiện nay thì phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng đang nhận được sự quan tâm khá lớn. Tình hình thực tế cho thấy trong những năm qua, loại hình bất động sản này đã phát triển nhanh và đem lại lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư.
Không phải tự nhiên mà đầu tư vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển trội hơn các loại hình đầu tư khác. Trong quá khứ, đầu tư vào vàng – ngoại tệ - chứng khoán là những kênh phổ biến. Tuy nhiên, các kênh đầu tư này ít nhiều đã thể hiện những hạn chế như người tham gia phải có vốn hiểu biết sâu rộng và tỷ lệ sinh lời hiện nay không còn hấp dẫn như thời gian trước.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang giúp các nhà đầu tư thu lợi ổn định (Ảnh: Minh Thạnh)
Trước sự thiếu ổn định của các loại hình trên, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bởi khả năng lấp đầy rất tốt. Ngành du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ là nền móng vững chắc để các nhà đầu tư yên tâm gửi gắm hầu bao. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì thúc đẩy, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa. Dự kiến mục tiêu năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch. Trong tương lai, nhu cầu lưu trú sẽ ngày càng tăng mạnh, chính vì thế đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang được coi là một “cửa sáng” hiện nay.
Khách hàng đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thường được hỗ trợ phương án tài chính thuận lợi nhất cho việc quản lý dòng tiền. Ví dụ chủ đầu tư một khu du lịch nghỉ dưỡng đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng với lãi suất 0% trong 12 tháng, chia sẻ lợi nhuận 85% thuộc về nhà đầu tư đối với căn hộ khách sạn. Hay như chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong 12 tháng đối với sản phẩm biệt thự, chủ nhân biệt thự và căn hộ khách sạn dự kiến sẽ được hưởng lợi lớn từ ngành dịch vụ du lịch.
Như vậy, trong vòng 1 năm, nhà đầu tư không phải chịu áp lực tài chính và chỉ chờ đợi sản phẩm của mình tăng giá hoặc sử dụng dòng tiền từ 60% giá trị còn lại của sản phẩm (đáng ra phải thanh toán trong thời gian này) để đầu tư cơ sở vật chất hoặc xoay vòng vốn đầu tư. Bài toán lợi nhuận trên là một ví dụ về lợi ích mà các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có thể mang lại cho khách hàng.
Có thể nói, thị trường du lịch rộng lớn đang “trải thảm” cho bất động sản du lịch tăng tốc phát triển, hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận cho giới đầu tư.
PV