Ca bệnh hiếm gặp và hiểm hóc
Chiều 4/4/2020, ông Tr. Q. T. (57 tuổi, ở Hà Nội) phải nhập viện do đột quỵ não tái phát. Kết quả chụp CT mạch máu não cho thấy ông T. bị phình hình thoi do bóc tách động mạch đốt sống trái lan vào gốc PICA trái. Kíp can thiệp bệnh viện Vinmec Times City đã tiến hành can thiệp đặt stent loại bỏ phình mạch não.
Tham gia hội chẩn cấp cứu theo chương trình hợp tác giữa Vinmec và BV 108, TS.BS Nguyễn Trọng Tuyển, Phó trưởng khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 nhận định, đây là một thành công hiếm gặp. “Trong vòng 2 tuần, bệnh nhân đã có 2 lần can thiệp mạch não. Quan trọng là các bác sĩ Vinmec đã tiên lượng sớm được chính xác của diễn biến bệnh, tìm được nguyên nhân gốc rễ gây đột quỵ và sau đó đã tiến hành can thiệp được theo phác đồ chuẩn”.
Trước đó, lần đột quỵ đầu tiên của ông T. xảy ra vào chiều ngày 20/3/2020 và đã được cấp cứu kịp thời tại BV Vinmec Times City với chẩn đoán tắc hoàn toàn động mạch đốt sống trái, tắc gốc PICA cùng bên gây nhồi máu cấp tính thùy nhộng và bán cầu tiểu não trái. Lúc đó, người bệnh đã được các bác sĩ chỉ định lấy huyết khối cơ học động mạch não DSA ở giờ thứ 3. “Ưu tiên trong lúc đó là giải quyết phần “ngọn” để cứu tính mạng người bệnh, bởi thời gian can thiệp quá dài có thể quá sức chịu đựng của người bệnh trong bối cảnh đó. Do đó, trong hơn 1h đồng hồ, kíp can thiệp đã tiến hành hút huyết khối, nong bóng qua chỗ hẹp bóc tách và gốc PICA trái để khơi thông được mạch đang bị tắc nghẽn” - ThS.BS Vũ Huy Hoàng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Vinmec Times City, người trực tiếp can thiệp cho ông T. chia sẻ.
Tuy nhiên, nguyên nhân đột quỵ não do bóc tách động mạch đốt sống trái vẫn còn nên người bệnh tiếp tục được các bác sĩ khuyến cáo cần theo dõi, chờ can thiệp lần thứ 2.
Kíp bác sĩ Bệnh viện Vinmec Times City đã can thiệp mạch não điều trị đột quỵ 2 lần liên tiếp cho người bệnh thành công.
Tiên lượng diễn biến chính xác từng … ngày
Do đã rất hài lòng với kết quả can thiệp lần đầu nên ông T. quyết định chưa điều trị ngay lần 2, mặc dù các bác sĩ Vinmec đã hẹn tái khám và tư vấn cần sớm thực hiện can thiệp để loại bỏ gốc rễ gây đột quỵ. Không ngoài dự đoán, ông T. đã bị đột quỵ lại lần 2 chỉ sau chưa đầy 2 tuần. Do đã chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có sự chuẩn bị trước nên các bác sĩ Vinmec nhanh chóng can thiệp tối ưu nhất đem lại kết quả phục hồi ngoạn mục cho bệnh nhân.
Hình ảnh trước và sau can thiệp (trái: Phình hình thoi bóc tách động mạch) và
(phải: Đặt stent động mạch đốt sống - PICA trái và bít coils tắc hoàn toàn phình hình thoi)
Hai lần được các bác sĩ Vinmec cấp cứu kịp thời, tiên lượng chính xác và điều trị hiệu quả dù đang trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên ông T. cảm thấy vô cùng may mắn. Là một doanh nhân năng động, sự hồi phục hoàn toàn sau biến cố lớn này vẫn như một điều vô cùng ý nghĩa và còn rất… khó tin đối với ông. Với giọng nói trở lại tròn tiếng, cơ lực của cánh tay và chân phải hồi phục, ông T. có thể ăn một bữa cơm trọn vẹn, thậm chí tập thể dục và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Khoa Chẩn đoán hình ảnh, đơn vị thực hiện ca can thiệp hiếm gặp này, là một trong những mũi nhọn của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bên cạnh hệ thống trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại nhất ở Việt Nam, đội ngũ bác sĩ của Khoa được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm, liên tục được tham gia đào tạo tại các bệnh viện trong nước và quốc tế. Vinmec cũng có hợp tác chuyên môn, hội chẩn thường xuyên với các chuyên gia đầu ngành tại BV Bạch Mai, BV 108 và Đại học Y Hà Nội... Đó là những yếu tố quan trọng để bệnh viện Vinmec có thể điều trị hiệu quả với các ca bệnh khó, trở thành địa chỉ tin cậy về thực hiện can thiệp và chẩn đoán hình ảnh ở Việt Nam hiện nay.
Phình bóc tách động mạch đốt sống trái gây đột quỵ não cấp là bệnh lý hiếm gặp. Hiện nay, y văn thế giới và Việt Nam ghi nhận ít ca bệnh tương tự. “Giờ vàng” giúp bệnh nhân đột quỵ não thoát hiểm là dưới 6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ - bệnh nhân cần được nhập viện có chuyên khoa đột quỵ để các chuyên gia lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất. Sau 6 giờ vàng đó, do các mạch máu không được tái thông nên người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị di chứng tàn phế nặng.
|
PV