Doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục biến động nhân sự cấp cao
Doanh nghiệp được ví như con tàu và vai trò của người lãnh đạo như thuyền trưởng. Vì thế, biến động nhân sự cấp cao luôn được các nhà đầu tư quan tâm, vì điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, những tháng cuối năm 2022, nhân sự cấp cao ngành bảo hiểm tiếp tục có sự biến động lớn.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính vừa chấp thuận cho bà Lo, Mei – Fang đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Việt Nam) từ ngày 24/10/2022. Đây cũng là CEO nữ đầu tiên của Fubon Việt Nam và là CEO nữ thứ 2 của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Trước đó không lâu, Công ty Cổ phần bảo hiểm AAA cũng có sự biến động nhân sự cấp cao.
Theo đó, tháng 12/2021, Bảo hiểm AAA sáp nhập vào Tập đoàn Bamboo Capital, trở thành thương vụ M&A gây chú ý trên thị trường Việt Nam. Sau khi sáp nhập, Bảo hiểm AAA đổi mới ban lãnh đạo và quản lý cấp cao. Điều này được kỳ vọng tạo nên làn gió mới, mang đến nhiều thay đổi tích cực của doanh nghiệp này trong tương lai.
Tiếp nối kế hoạch đổi mới ban lãnh đạo điều hành và quản lý cấp cao, đầu tháng 10/2022 Bảo hiểm AAA đã bổ nhiệm ông Võ Mạnh Tín giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành và bổ nhiệm bà Vũ Thị Thu Quỳnh giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách các chi nhánh khu vực miền Bắc.
Trên cương vị mới Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành, Ông Võ Mạnh Tín sẽ tham gia điều hành, quản lý các hoạt động của Bảo hiểm AAA.
Ông Võ Mạnh Tín có bề dày kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý và tổ chức bộ máy nhân sự vận hành các hoạt động một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Ông từng tham gia trực tiếp vào công tác quản lý, hoạch định chiến lược, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của BCG Land, một công ty con khác của Tập đoàn BCG.
Cũng trong tháng 10/2022, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI (mã PTI) đã bổ nhiệm ông Nguyễn Kim Lân giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc, thay cho Bùi Xuân Thu.
Gia nhập PTI từ những ngày đầu, ông Lân đã có 21 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm. Trước khi trở thành Phó tổng giám đốc PTI vào năm 2018, ông từng đảm nhận chức vụ Giám đốc PTI Thăng Long - công ty thành viên chủ lực của PTI.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm này cũng bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao khác. Cụ thể, ông Lê Xuân Bách giữ chức danh Kế toán trưởng, thay bà Cao Thu Hiền; bà Lưu Phương Lan, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh bảo hiểm thương mại được bổ nhiệm làm thành viên Ban lãnh đạo quản trị chiến lược (EXCO) phụ trách nghiệp vụ bảo hiểm tại PTI; ông Đỗ Quang Khánh, Giám đốc quản trị hoạt động được bổ nhiệm làm thành viên Ban lãnh đạo quản trị chiến lược (EXCO), phụ trách nhiệm vụ kiểm soát nghiệp vụ tại PTI.
Có nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra cho mỗi lần “thay tướng”. Trong trường hợp của PTI, ngoài một số lý do được đưa ra như ông Thu gần đến tuổi về hưu (ông sinh năm 1963), PTI cần một tư duy mới thích nghi với thời cuộc thì không ngoại trừ việc bị lỗ của PTI do triển khai chương trình bảo hiểm Vững Tâm An (bảo hiểm cho người bị nhiễm Covid-19) dưới thời ông Thu làm Tổng giám đốc.
Xa hơn nữa, vào cuối tháng 8/2022, Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) thay cả Chủ tịch lẫn Tổng giám đốc cùng lúc. Bà Trần Thị Diệu Hằng, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt được phân công phụ trách Hội đồng quản trị trong khi ghế Chủ tịch tạm khuyết. Bà Hằng từng là Trưởng phòng Phát triển thị trường và Trưởng phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), với 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm và kế toán. Còn ông Nguyễn Đình An, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn được giao làm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn.
Hàng loạt yêu cầu mới đối với ‘ghế’ CEO bảo hiểm
Tính đến thời điểm này, các quy định hiện hành cũng đã bổ sung những tiêu chuẩn đối với người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam (tạm gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm).
Đáng chú ý, một điểm mới tại Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2023 là các nhân sự chủ chốt trên muốn được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung: không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, không bị xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải do vi phạm quy trình nội bộ trong 3 năm liên tục trước thời điểm được bổ nhiệm; không bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật tại thời điểm được bầu, bổ nhiệm.
Ngoài ra, Luật cũng quy định chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc … của doanh nghiệp bảo hiểm không được đồng thời làm chủ tịch, tổng giám đốc của doanh nghiệp bảo hiểm khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Chính phủ quy định chi tiết việc đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của chủ tịch, tổng giám đốc doanh nghiệp… theo quy định.
Ở một diễn biến khác, Công ty cổ phần chứng khoán SBS vừa có phân tích và nhận định đa chiều về ngành bảo hiểm trong thời gian vừa qua.
Theo SBS, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tăng trưởng của ngành bảo hiểm vẫn tốt do không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid nặng nề như năm trước. Tuy nhiên lại không có sự tăng trưởng đột biến vì tốc độ tăng trưởng doanh phu phí bảo hiểm đang có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây. Tốc độ tăng trưởng ngành bảo hiểm dự kiến trong năm 2022 chỉ đạt 10-14% so với năm 2021 đạt 24.98%.
Nhìn lại thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, xu thế tiêu cực kéo dài với việc thị trường liên tục đi xuống cùng việc thanh khoản thị trường liên tục giảm mạnh. Diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm. Chẳng hạn tại Tập đoàn Bảo Việt, Bảo hiểm BIDV.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán vừa ghi nhận một quý kinh doanh ảm đạm khi lợi nhuận sau thuế đi ngang hoặc đi xuống so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (doanh thu thuần) phần lớn đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Nhìn chung, ngành bảo hiểm lại được coi là ngành ít biến động hơn trước so với những ngành nghề khác. Thậm chí, trước tác động của đại dịch trong suốt 2 năm vừa qua, ngành bảo hiểm vẫn duy trì được đà tăng trường ấn tượng, dự báo tăng trưởng doanh số trong lĩnh vực này có thể đạt 14% mỗi năm trong 5 năm tới.
Có lẽ trong thời đại số này, biến động nhân sự cấp cao tại ngành bảo hiểm sẽ còn tiếp diễn để tìm những người lãnh đạo có tư duy mới với kỳ vọng sẽ mang lại thành tích kinh doanh vượt trội.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết