Gói thầu hơn 80 tỷ, tiết kiệm 0 đồng
Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Long Hưng (sau đây gọi tắt là công ty Long Hưng) được thành lập năm 2006 với mã số thuế 0101925890. Công ty hoạt động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo các sản phẩm, thiết bị giáo dục và đồ chơi.
Trụ sở doanh nghiệp được đặt tại tập thể xí nghiệp xây dựng cầu 202, khu Liên Cơ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Người đại diện là ông Luyện Minh Tuyến – Giám đốc công ty.
Theo dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, công ty Long Hưng đã tham gia tổng cộng 75 gói thầu, trong đó trúng 55 gói, trượt 18 gói và 2 gói chưa có kết quả.
Công ty có quan hệ với 40 bên mời thầu, chủ yếu là các đơn vị giáo dục ở các tỉnh miền Bắc. Tỉ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 98,66%, tức tỉ lệ tiết kiệm trung bình chỉ 1,34%.
Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu mà công ty Long Hưng đã trúng trên cả vai trò nhà thầu độc lập và liên danh, tổng giá trị hơn 286 tỷ đồng, tiết kiệm 2,1 tỷ đồng, tương ứng 0,91%. Tuy các gói thầu này đều có giá trị lớn, nhưng số tiền tiết kiệm cho ngân sách rất thấp, tỉ lệ chỉ loanh quanh mức 1%.
Đơn cử, trong năm 2019, giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Ngô Văn Liên đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm thiết bị số 11 và số 05, đơn vị trúng thầu của cả 2 gói là liên danh Kinh Bắc - Thắng Lợi - Long Hưng. Đáng chú ý, gói số 11 có giá trúng thầu 83,9 tỷ đồng, tuy nhiên lại không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách Nhà nước, đạt tỉ lệ 0%.
Hay như gói thầu mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học năm 2020 tại sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang có giá trúng thầu 9,7 tỷ đồng, tiết kiệm 98,7 triệu đồng, tương ứng tỉ lệ 1,01%.
Tương tự, gói thầu số 03 năm 2019 tại phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín có giá trúng thầu 4,08 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 6 triệu đồng (0,15%); gói thầu mua sắm năm 2019 tại ban phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nha Trang có giá 4,3 tỷ đồng, tiết kiệm 8,2 triệu đồng (0,19%)…
Cần lưu ý rằng, mục tiêu lớn lao của đấu thầu là tiết giảm tối đa cho ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Các đơn vị là chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm này, giảm tải gánh nặng cho đầu tư công.
Doanh thu cao, lợi nhuận thấp
Ở một góc nhìn khác, việc trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn là một trong những lý do đem về cho công ty Long Hưng hàng chục tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Điều này cho thấy nhiều khả năng bản thân doanh nghiệp đã chủ động trong việc quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm bớt đi gánh nặng thuế thu nhập.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh thu cao – lãi mỏng này là do doanh nghiệp luôn kinh doanh với giá vốn suýt soát doanh thu. Cụ thể, kết thúc năm 2018, Long Hưng ghi nhận doanh thu thuần 24,4 tỷ đồng, giá vốn bán hàng hơn 22 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu tăng gần gấp đôi lên 44,6 tỷ đồng, giá vốn ở mức 42,4 tỷ đồng, chiếm tới 95,09%.
Bước sang năm 2020, doanh thu của công ty tiếp tục tăng cao, đạt 71,2 tỷ đồng trong khi giá vốn cũng tăng mạnh lên 68,1 tỷ đồng. Đây là năm công ty có doanh thu cao nhất trong giai đoạn 2018-2020, trước khi về lại mức 44,3 tỷ đồng trong năm 2021.
Mặc dù doanh thu vẫn duy trì ở mức hàng chục tỷ đồng mỗi năm, song lợi nhuận thu về lại khá “mỏng”. Theo đó, công ty báo lãi sau thuế lần lượt 55,8 triệu đồng (năm 2018), 60,8 triệu đồng (2019), 420,6 triệu đồng (2020) và 69,2 triệu đồng (2021).
Bên cạnh đó, nhìn vào bảng cân đối kế toán, quỹ nợ của công ty đã dần “phình to” trong 2 năm 2020 – 2021 khi tổng nợ vượt quá vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ ở mức 25,6 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu 14,5 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, tổng nợ của Long Hưng tăng vọt lên 52,2 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu 14,6 tỷ đồng, hệ số D/E là 3,5. Thông thường, hệ số này lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng nhiều vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh, dẫn đến nhiều khó khăn, rủi ro trong việc trả nợ.