Công ty con thuộc Masan Group 5 năm liên tiếp không trả cổ tức

Trong kỳ Đại hội cổ đông năm 2014 vừa qua, đại diện Techcombank – 1 trong 3 công ty mũi nhọn của MSN cũng hùng hồn tuyên bố sẽ tiếp tục không trả cổ tức và đây là quyết định sáng suốt khi ngân hàng đang gặp khó khăn.

2013 đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp Masan Group (MSN) không trả cổ tức cho cổ đông. Còn trong kỳ Đại hội cổ đông năm 2014 vừa qua, đại diện Techcombank – 1 trong 3 công ty mũi nhọn của MSN cũng hùng hồn tuyên bố sẽ tiếp tục không trả cổ tức và đây là quyết định sáng suốt khi ngân hàng đang gặp khó khăn. Vậy, đâu là lý do khiến các cổ đông nhỏ im hơi lặng tiếng khi không được trả cổ tức nhiều năm?

Nói nhiều, tin được bao nhiêu?

Trong ĐHCĐ thường niên 2014 của Masan Group, Chủ tịch Đăng Quang tiếp tục “khất” không trả cổ tức cho cổ đông dù lợi nhuận chưa phân phối của tập đoàn đã lên tới 6.357 tỷ đồng. Lý do được đưa ra đó là tập đoàn sẽ dùng số tiền đó để tiếp tục tái đầu tư, để mua bán và sáp nhập (M&A) thêm những dự án đình đám khác.

Gần như “copy” nguyên si những lý do trên, đại diện của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) – nơi mà Masan Group là cổ đông lớn nhất (19,91%), ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết "Sứ mệnh của chúng tôi là mang lại cho cổ đông những lợi ích hấp dẫn, lâu dài, và việc giữ lại cổ tức để tái đầu tư dài hạn nhằm tạo ưu thế tài chính cho ngân hàng". Theo ông Anh, ngân hàng chưa trả cổ tức là chiến lược đúng đắn đã giúp Techcombank đứng vững trong thời gian qua.

 Công ty con thuộc Masan Group 5 năm liên tiếp không trả cổ tức - Ảnh 1

Như vậy, từ công ty “mẹ” cho tới ngân hàng “con” đều cho rằng không trả cổ tức là hợp lý và sẽ giúp cho doanh nghiệp lớn mạnh thêm. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa so với lời hứa hẹn khi trong những năm qua, cả MSN và Techcombank đều có kết quả kinh doanh sụt giảm.

Cụ thể, lợi nhuận của Techcombank trong những năm qua cứ năm sau giảm hơn năm trước, năm 2011, lợi nhuận trước thuế đạt 4.203 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ đạt 1.017 tỷ đồng, năm 2013 tiếp tục “teo tóp” còn 878 tỷ đồng. Dù đây là thời điểm khó khăn chung nhưng việc Techcombank bị một loạt các ngân hàng khác vượt mặt là có thật. Từng được tạp chí Global Finance bầu là Ngân hàng tốt nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á năm 2012 nhưng trong 2 năm qua, từ bám sát vị trí dẫn đầu các ngân hàng TMCP, Techcombank đã chỉ còn xếp thứ 4 sau MB, Eximbank, ACB với lợi nhuận khiêm tốn (chưa tới nghìn tỷ).

Còn đối với “mẹ” Masan Group (MSN), tình hình cũng không khả quan hơn. Dù vẫn thu hút được những khoản đầu tư hàng trăm triệu USD từ các quỹ nước ngoài, nhưng 3 năm liên tiếp lợi nhuận đều sụt giảm. Theo đó, năm 2011 lợi nhuận trước thuế đạt 2,868 tỷ đồng, năm 2012 còn 2,488 tỷ đồng, năm 2013 chỉ đạt 2,018 tỷ đồng. Trung bình giảm hơn 300 tỷ/năm. Trong khi đó, mặc cho quy mô tổng tài sản đứng thứ 2 trong các doanh nghiệp niêm yết sàn chứng khoán, tỷ lệ nợ của tập đoàn này cũng thuộc diện “ngất ngưởng”: đứng thứ 2 với tổng nợ hơn 56,255 tỷ đồng.

Theo đó, có thể thấy dù không trả cổ tức cho các cổ đông để mua thêm các dự án “khủng”, để tái đầu tư nhưng thực tế, kết quả kinh doanh cũng chẳng tốt hơn!

Masan Consumer trả cổ tức khủng: Trấn an?

Trái ngược với MSN và Techcombank, trong ĐHCĐ thường niên năm 2014, Masan Consumer (MSF) đã công bố sẽ chia cổ tức bằng tiền năm 2013 và tạm ứng cổ tức năm 2014 với mức 110% (11.000đ/cổ phiếu), tương ứng hơn 5.800 tỷ. Được xem như “trái tim” của Masan Group, với các sản phẩm mỳ ăn liền, tương cà, nước mắm..., MSF luôn đóng góp phần lớn lợi nhuận cũng như doanh thu chính cho tập đoàn. Dự kiến năm 2014, MSF sẽ đạt doanh thu 16.000 - 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.750 - 4.250 tỷ đồng, vượt qua cả “mẹ” MSN.

Tuy nhiên, cũng như MSN, trong những năm qua, MSF không hề chia cổ tức cho các cổ đông dù mức tăng trưởng đạt 100 lần kể từ khi gia nhập thị trường (Năm 2001, doanh thu MSF xấp xỉ 30 tỷ đồng, năm 2013 là hơn 3.000 tỷ đồng). Vậy nên động thái “bỗng dưng” trả cổ tức 2013 và tạm ứng 2014 của MSF khiến dư luận bất ngờ nhưng không khó hiểu. Bởi trong toàn bộ tập đoàn, MSF là đơn vị làm ăn hiệu quả và “thấy rõ” nhất. Trong khi MSN và Techcombank đã không trả cổ tức, thì một đơn vị có mức tăng trưởng cao từ năm này qua năm khác cũng trả cổ tức thì thật “phi lý”. Do đó, việc MSF “làm gương” khi “chịu” chia lợi nhuận cũng có thể coi như một hành động “trấn an” nhằm xoa dịu cổ đông của tập đoàn.

Và cổ đông của MSN và Techcombank vừa được hứa hẹn về những dự định trong tương lai, lại vừa có “tấm gương” được trả cổ tức khủng từ MSF,  có lẽ cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục “ôm cây đợi thỏ”. Bởi thực tế, việc các doanh nghiệp “trây ì’ trả cổ tức chưa có khung xử lý theo pháp luật. TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết theo thông lệ quốc tế, việc này cần để cho thị trường, cổ đông trừng phạt DN thì hợp lý hơn là quy định cứng trong luật, cổ đông có thể bán cổ phiếu, chấm dứt đầu tư vào DN đó. Nhưng trong bối cảnh thị trường CK khó khăn, việc bán cổ phiếu vào thị trường thứ cấp với mức giá hiện tại của MSN (88.500đ/cổ phiếu) giảm rất nhiều so với mức đỉnh (129.000đ), nếu bán thì cổ đông bị lỗ tới 40.500đ/cổ phiếu.

Theo Seatimes

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục