Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, các loại tiền giả mới này có đặc điểm nhận biết cụ thể như sau: Tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng (seri FV, MF, XR, BF, BH, MA, XZ, XJ, HO, UE); 200.000 đồng (seri OC, QR, SX, KJ, TL, VY); 100.000 đồng (seri IB, XF) và 50.000 đồng (seri SR) có đặc điểm nền giấy nilon phủ trên bề mặt dễ bai giãn, lớp mực in dễ bị bong tróc.
Đồng thời, loại tiền giả này có hình ảnh, hoa văn không sắc nét; hình định vị không khớp khít; mực đổi màu (OVI) được in giả cùng hình ảnh hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe; cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối.
Các cửa sổ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy, dán nilon khu vực cửa sổ, phủ lớp nilon mỏng trên toàn bộ hai mặt tờ tiền hoặc chỉ phủ lớp nilon mỏng ở mặt trước tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím: Khu vực cửa sổ phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.
Ngoài ra, những mệnh giá tiền giả này chưa làm giả các yếu tố bảo an như: Nét in nổi, hình bóng chìm, dây bảo hiểm, cụm số mệnh giá dập nổi trong cửa sổ lớn, hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng và mực không màu phát quang.
Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị người dân cẩn trọng khi giao dịch, nếu phát hiện tiền giả như trên báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện hai đối tượng có dấu hiệu tiêu thụ tiền giả trên địa bàn tỉnh (đặc biệt ở khu vực miền núi). Để đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với loại tội phạm này, Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trong đó tập trung tổ chức phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho quần chúng nhân dân, nhất là những cá nhân, hộ gia đình buôn bán nhỏ, lẻ, hàng tạp hóa… nắm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về tiền giả, nhất là dấu hiệu, cách thức nhận biết tiền giả và thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của các đối tượng. Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần chủ động phát hiện, tố giác tội phạm trong nhân dân.
Cụ thể, vào khoảng 19h ngày 3/9/2022, hai đối tượng Quách Thị Huyền và Lê Quốc Bảo đi ô tô BKS 51H-247.41 từ Hòa Bình sang Thanh Hóa. Khi đến thôn Tân Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy thì vào một quán hàng ven đường sử dụng tiền giả mệnh giá 500.000đ để mua hàng với giá 130 nghìn đồng và nhận lại 370 nghìn đồng tiền thật.
Sự việc ngay sau đó bị phát hiện, 2 đối tượng Quách Thị Huyền và Lê Quốc Bảo lập tức bị lực lượng Công an cùng quần chúng nhân dân kịp thời bắt giữ. Khi bị phát hiện 2 đối tượng đã tìm cách đối phó, cho rằng mình cũng là nạn nhân vì số tiền trên là tiền khách hàng thanh toán cho họ khi kinh doanh khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết