Việc chọn lựa, đề nghị Chính phủ tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các bức ảnh về đề tài chiến tranh và cách mạng, những buổi lễ trao giải thưởng nhiếp ảnh được tổ chức trang trọng, những đợt tuyên truyền giới thiệu giá trị của các tác phẩm cũng như người đã tạo ra những tác phẩm đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí chuyên ngành, các công trình nghiên cứu lý luận phê bình (LLPB)... là việc làm chứng tỏ Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN), giới nhiếp ảnh Việt Nam đang tiếp tục trách nhiệm lớn lao mà nhân dân và Chính phủ giao cho. Nội dung của Sắc lệnh 147SL của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15/3/1953 về nhiệm vụ lịch sử của nhiếp ảnh vẫn nguyên giá trị, dù lịch sử đất nước đã trải qua nhiều biến đổi thăng trầm.
“Hai số phận” - Giải thưởng lớn (Grand Prix) Cuộc thi ảnh Châu Á - Thái Bình Dương về đề tài Cuộc sống con người năm 2001 tại Nhật Bản. Ảnh: Vũ Trung Kiên (Hà Nội).
Những bức ảnh được tạo ra từ những chất liệu và thiết bị quá đơn sơ so với hôm nay (những cuộn phim ORWO, CBEMA đen trắng, máy ảnh Đức, Nga thời cũ) có giá trị không chỉ ở thời điểm mới xuất hiện mà ngay với cả hôm nay vẫn luôn được nhớ và nhắc tới. Các nhà nhiếp ảnh hoạt động từ buổi sơ khai khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời, trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mãi mãi là thế hệ đi tiên phong tiêu biểu nhất của nền nhiếp ảnh Việt Nam.
Ảnh được đánh giá cao, tác giả được đánh giá cao bởi chính những vấn đề mà người chụp đề cập đến qua ống kính của mình.
Cũng thuộc lĩnh vực nhiếp ảnh, nhưng thể loại ảnh báo chí, ảnh chụp sinh hoạt và tài liệu được đánh giá cao trên thế giới cũng như ở Việt Nam hơn bất cứ loại hình thị giác sáng tạo nào khác bởi nhiếp ảnh đã nhanh chóng chớp lấy và giữ lại được cái thật đã diễn ra trong dòng đời bất tận kia, có bao nhiêu hình ảnh cần giữ lại để làm chứng cứ, rất cần cho những ai không có may mắn được chứng kiến tại chỗ cái giây phút đó, sự thật đó để rồi tin và biết chắc đó là sự thật.
Cả hai cuộc kháng chiến của ta, do số người cầm máy chưa nhiều, điều kiện chụp quá khó khăn, thiết bị còn đơn sơ nên so với những gì mà hình ảnh cần phải có, cần lưu giữ chưa thật nhiều. Nhưng như thế thì những bức ảnh có được lại càng trở nên quý giá, càng có ý nghĩa đối với thời đại sau.
Tác phẩm “Lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang”. Tác giả: Nguyễn Hữu Định (Kiên Giang).
Hãy cùng nhau nhớ lại. Cho tới năm 1965, tức là sau hơn 10 năm Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp chiếu bóng và chụp ảnh ra đời, kể cả số người mới làm tại các tờ báo lớn ở Trung ương, Hà Nội, các HTX nhiếp ảnh... có khả năng đóng góp cho hoạt động nhiếp ảnh... cũng chưa tới 100 người (trong đó có 71 vị mà chúng ta ghi trong lịch sử là các hội viên sáng lập). Cho tới trước Giải phóng miền Nam (1975) không kể các báo, tạp chí có ở các tỉnh phía Nam trong vùng địch chiếm đóng, cả nước chỉ có báo Nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Phụ nữ, Tiền phong, Cứu Quốc, Hà Nội mới, Báo ảnh Việt Nam, Thanh niên Việt Nam và vài báo đứng danh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là có phóng viên nhiếp ảnh.
Đầu mối giao thông phía Nam thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt (Hà Nội).
Từ 1953 đến 1975 là quãng thời gian mà những người cầm máy bận rộn và vui buồn với mục tiêu duy nhất: lấy tài liệu về cuộc sống chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng XHCN và chi viện cho miền Nam. Thời gian đó không có điều kiện để xuất hiện các cuộc thi ảnh, không thấy ai nhắc tới các giải thưởng, danh hiệu nào cả... Lúc đó lịch sử và nhân dân là "Hội đồng giám khảo", các tờ báo ở trong nước và nước ngoài là "phòng triển lãm", người xem ảnh, người đọc báo là "các nhà lý luận phê bình".
Những năm tháng gian khó và bình dị đó mới đẹp làm sao?
Từ sau năm 1975, con đường của nhiếp ảnh Việt Nam lớn và dài thêm với biết bao yêu cầu mới. Căn nhà Hội NSNAVN thêm lớn và cao với số hội viên gấp gần chục lần, nhiếp ảnh Việt Nam với sự tác động lớn của Hội NSNAVN đang trở thành hoạt động văn hoá phổ biến trên cả nước, hàng vạn tấm ảnh mới chụp đã đến với người xem trong và ngoài nước. Việt Nam đã có tên trên bản đồ nhiếp ảnh khu vực và quốc tế. Đi đúng trên con đường lớn, sáng tạo nhiếp ảnh đã được nhân dân và Đảng đánh giá cao. Khẳng định 15/3 là Ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam là xác định nhiệm vụ to lớn, lâu dài của Nhiếp ảnh Việt Nam chính là: hoạt động văn hoá vì nhân dân, gắn bó với quần chúng, ca ngợi vẻ đẹp Việt Nam và mở rộng giao lưu quốc tế.
Say mê khám phá và từ trong cuộc đời thực, phát hiện ra vẻ đẹp dung dị và hoành tráng ở đất nước và con người Việt Nam hôm nay là nhiệm vụ lớn nhất của nhiếp ảnh. Cũng vì thế mà có lý do để có ý kiến không hài lòng với những sản phẩm nhiếp ảnh chạy theo hình thức, cố tạo ra những vẻ đẹp tự cảm, thiếu tính chân thực hoặc những bức ảnh chụp cảnh, chụp người đẹp đẽ, chau chuốt được tạo ra nhờ kỹ xảo. Tuy nhiên đó không phải là dòng chủ lưu của nền nhiếp ảnh Việt Nam. Những bức ảnh như vậy sẽ có vị trí trong một Album nào đó, một Salon nào đó mà thôi. Nó sẽ bị thời gian và người đời quên lãng dù cho ai đó cố gắng o bế vỗ về.
Huyền Vũ