Trước áp lực từ các chính sách thuế quan, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tháng 4 đầy biến động. Chỉ số VN-Index có thời điểm giảm sâu về mức 1.070 điểm, phản ánh tâm lý thận trọng và lo ngại của nhà đầu tư trước các yếu tố rủi ro từ môi trường vĩ mô quốc tế.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhanh chóng xuất hiện, giúp thị trường phục hồi rõ rệt trong nửa cuối tháng, đưa VN-Index kết thúc tháng ở mức 1.226 điểm. Mặc dù chỉ số chung vẫn còn cách vùng đỉnh 1.300 điểm một khoảng đáng kể, nhưng điều đáng chú ý là nhiều cổ phiếu vẫn ghi nhận mức tăng mạnh và thậm chí vượt đỉnh cũ trong tháng vừa qua.
Điều này cho thấy dòng tiền đang có xu hướng phân hóa, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thị trường chưa thực sự ổn định.
HoSE: Sự "hồi sinh" của TDH và VRE
Trên sàn HoSE, không ít nhà đầu tư bất ngờ khi cổ phiếu TDH của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức trở thành quán quân tăng trưởng với sức bật mạnh mẽ, lên tới 54,64%, bỏ xa phần còn lại. Màn “hồi sinh” của mã này diễn ra vào nửa cuối tháng 4 khi ghi nhận 7/10 phiên giao dịch kết thúc ở mức giá trần. Diễn biến tích cực được ghi nhận trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục đón tin vui.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, Nhà Thủ Đức ghi nhận doanh thu gần 8 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm mạnh giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng hơn 11%, đạt 4,9 tỷ đồng. Kết thúc quý, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 5,7 tỷ đồng – cải thiện rõ rệt so với khoản lỗ 1,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024.
Kết quả kinh doanh tươi sáng này phần nào tiếp thêm kỳ vọng cho cổ đông sau những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp. Trước đó, ông Trần Thành Vinh, ngay khi vừa nhậm chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã đặt mục tiêu đưa Nhà Thủ Đức trở lại quỹ đạo có lãi trong năm 2025, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tái cấu trúc và phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau giai đoạn khó khăn kéo dài.
Bên cạnh kết quả kinh doanh quý I tích cực, Nhà Thủ Đức còn đón thêm tin vui khi thắng kiện trong vụ hoàn thuế giá trị gia tăng 365 tỷ đồng với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền, làm giảm áp lực tài chính trong giai đoạn tới.
Sự xuất hiện của TDH và VRE trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE tháng 4 được ví như sự hồi sinh của dòng "cổ đất"
Xếp sau TDH là cổ phiếu GEE của Công ty CP Điện lực Gelex, với mức tăng hơn 39%. Như đã thông tin, đà tăng của GEE được hỗ trợ bởi hai yếu tố chính: kết quả kinh doanh tích cực và chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn.
Kết thúc phiên giao dịch 29/4, cổ phiếu GEE đạt 79.000 đồng, đưa vốn hóa thị trường của Điện lực Gelex lên mức 24.095 tỷ đồng. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, mã này vẫn chưa phát tín hiệu suy yếu và hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa.
Danh sách cổ phiếu tăng mạnh trong tháng còn có SMC (+36,62%), ABR (+23,85%), VSC (+23,76%), HAH (+21,59%), VRE (+21,28%), SVI (+20,54%), CRC (+19,54%) và APG (+18,66%).
Trong đó, diễn biến tích cực bộ đôi HAH - VSC gắn liền với kỳ vọng rằng nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu, trước thời điểm các lệnh thuế đối ứng có hiệu lực, sẽ giúp nhóm vận tải biển hưởng lợi đáng kể. Trong đó, HAH tỏ ra vượt trội hơn VSC khi đã bứt phá khỏi vùng đỉnh cũ và xác lập xu hướng tăng giá rõ rệt.
Có phần trầm lắng hơn các cổ phiếu khác, cổ phiếu VRE của Công ty CP Vimcom Retail đang âm thầm hồi sinh nhờ kết quả kinh doanh tích cực. Kết thúc quý I/2025, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 1.177 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm. Cũng cần nói thêm, trong tháng 4, cổ phiếu VRE cùng những “người anh em cùng nhà” là VIC và VHM đã góp sức đáng kể trong việc nâng đỡ và gỡ gạc điểm số cho VN-Index.
Nhìn chung, các cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HOSE trong tháng qua đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và sở hữu câu chuyện riêng hỗ trợ đà tăng. Đồng thời, đây cũng là nhóm ít chịu tác động trực tiếp từ các chính sách thuế quan.
HNX: “Ngôi sao hy vọng” NFC và VFS
Với 7 phiên tăng trần liên tiếp ghi nhận trong nửa cuối tháng 4, cổ phiếu NFC của Công ty CP Phân lân Ninh Bình là mã tăng mạnh nhất và cũng được đánh giá là “ngôi sao sáng” nhất sàn HNX. Đà tăng phi mã của của NFC đã đưa vốn hoá của Phân lân Ninh Bình vượt ngưỡng 600 tỷ đồng.
Theo doanh nghiệp, chuỗi tím trần nhiều phiên là do nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Thực tế, Phân lân Ninh Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 453 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng đột biến 288%, đạt 51 tỷ đồng.
Cần biết, năm 2025, Phân lân Ninh Bình đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 65 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, dù mới thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu nhưng doanh nghiệp đã hoàn thành 78% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tăng gần 70%, cổ phiếu NFC đã tạo ra một cách biệt lớn so với những cái tên còn lại trong top 10, khi các mã này ghi nhận mức tăng từ 20-40%, cụ thể: THS (+43,16%), KHS (+35,92%), SMT (+35,29%), VFS (+31,47%), SRA (+31,43%), LBE (+25,47%), AAV (+25,37%), VHE (+22,58%) và HTC (+20,82%).
NFC và VFS là hai cổ phiếu nổi bật nhất sàn HNX
Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm tăng mạnh trên sàn HNX đều duy trì thanh khoản thấp, cho thấy lực cầu thực tế chưa thực sự vững chắc. Điều này yêu cầu nhà đầu tư phải thận trọng và áp dụng chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ khi tham gia giao dịch.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu VFS của Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt là mã hiếm hoi có thể “so kè” với NFC về độ nổi tiếng cũng như sức hút. Đây cũng là cổ phiếu chứng khoán duy nhất lọt danh sách cổ phiếu tăng mạnh. Thực tế, việc thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội dưới tác động tiêu cực của "cơn bão" thuế quan đã khiến cho dòng tiền trở nên kém “mặn mà” đối với nhóm “cổ chứng”.
Tháng vừa qua, thanh khoản cổ phiếu VFS lên tới 1,5 triệu đơn vị/phiên, cao gấp rưỡi so với mức trung bình một năm. Giao dịch trở nên đặc biệt sôi động sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu đạt 92 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng, lần lượt tăng 50% và 19% so với cùng kỳ.
UPCoM: Bất ngờ mang tên FRM, CMM
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu FRM của CTCP Lâm Nghiệp Sài Gòn dẫn đầu với mức tăng hơn 200%. Kết thúc tháng 4, mã này đạt12.400 đồng/cp, đưa vốn hoá của doanh nghiệp lên mức 117 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là cổ phiếu này từng bị thao túng trong quá khứ.
Hai năm trước, ông Trần Việt Thắng (trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP. Hồ Chí Minh) đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân và đứng tên người khác để thực hiện giao dịch mua bán, tạo lập cung cầu giả nhằm thao túng giá cổ phiếu FRM và bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Ngoài FRM, các cổ phiếu khác như TIN và CTX cũng ghi nhận mức tăng mạnh mẽ trong tháng qua, lần lượt đạt +104,02% và +92,11%. Theo sau lần lượt là AGX (+77,08%), DCG (+73,91%), CMM (+69,35%), TAW (+60,81%), XDH (+51%), LMC (+46,25%), và LDW (+40%).
FRM và CMM gây bất ngờ khi "ngược bão"
Điều đáng lưu ý là đà tăng giá của các mã cổ phiếu này không đi kèm với bất kỳ thông tin hỗ trợ rõ ràng nào. Trong khi thị trường chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngành như gỗ và thủy sản, mức tăng này càng gây thêm nghi ngờ về tính bền vững. Cổ phiếu FRM, trong bối cảnh ngành gỗ đối mặt với "cơn bão" thuế quan, không thể hiện bất kỳ yếu tố căn bản nào có thể hỗ trợ sự tăng trưởng lâu dài. Tương tự, cổ phiếu CMM của Công ty CP Camimex Group cũng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn từ tình hình khó khăn của ngành thủy sản.
Với diễn biến hiện tại, có thể thấy dòng tiền đầu cơ đang tìm đến các cổ phiếu có thị giá thấp, ít được chú ý trước đây, nhằm tìm kiếm cơ hội sinh lời ngắn hạn. Tuy nhiên, mức độ rủi ro trong nhóm cổ phiếu này rất lớn, đặc biệt khi thị trường chung thiếu sự hỗ trợ từ thông tin vĩ mô và dòng tiền tổ chức. Việc mua đuổi ở mức giá cao có thể dẫn đến tình trạng "đu đỉnh", khiến nhà đầu tư gặp phải rủi ro nếu cổ phiếu điều chỉnh bất ngờ.
Vietnamfinance
In bài viết