Cổ phiếu FTM sàn 8 phiên liên tiếp và mất thanh khoản sau đợt tăng "phi mã" gần 70%

Trong vòng nửa năm qua, cổ phiếu FTM có diễn biến giá cực kỳ bất thường, tăng phi mã rồi lại "đổ đèo" không phanh, cổ đông lớn thi nhau "mua đáy bán đỉnh".

Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – Mã: FTM) bất ngờ giảm sàn 8 phiên liên tiếp từ mức 23.650 đồng/cp xuống còn 13.400 đồng/cp. 

Cổ phiếu FTM sàn 8 phiên liên tiếp và mất thanh khoản sau đợt tăng "phi mã" gần 70% - Ảnh 1
Diễn biến giá cổ phiếu FTM từ lúc lên sàn đến nay (Nguồn: VNDirect)

Thanh khoản cổ phiếu FTM những phiên sàn ghi nhận sự tụt dốc không phanh khi ngày 15/8 khối lượng giao dịch còn ở mức 928.000 đơn vị thì tới những phiên sau thanh khoản chỉ ở mức vài trăm đơn vị.

Tuy nhiên việc giảm sàn của FTM diễn ra rất lâu sau đợt công bố kết quả kinh doanh 6 tháng khi doanh nghiệp báo lỗ quý II tới 17 tỷ đồng, là hai quý liên tiếp lỗ. 6 tháng đầu năm FTM lỗ 31 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cổ phiếu FTM lao dốc mạnh sau đợt tăng phi mã 68% chỉ trong 3 tháng từ giữa tháng 2 tới gần cuối tháng 5/2019 bất chấp việc doanh nghiệp báo lỗ trong quý I.

Cổ phiếu FTM sàn 8 phiên liên tiếp và mất thanh khoản sau đợt tăng "phi mã" gần 70% - Ảnh 2
Các giao dịch của cổ đông lớn FTM từ đầu năm đến nay (Nguồn: HK tổng hợp)

Theo thống kê của người viết, vào giai đoạn trước khi cổ phiếu tăng giá loạt cổ đông lớn thi nhau mua vào cổ phiếu trong tháng 1 và rồi trước khi cổ phiếu “đổ đèo” loạt cổ đông lớn này lại liên tục bán ra. Các cổ đông lớn này đều không phải là lãnh đạo hay nhân sự ở FTM. 

Việc giao dịch mua đúng đáy, bán khi gần đỉnh của các cổ đông lớn này đặt ra một câu hỏi lớn với nhà đầu tư. Qua đó có thể thấy diễn biến rất bất thường của cổ phiếu FTM chỉ trong vòng nửa năm qua.

FTM có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi. Hiện cổ đông lớn nhất của FTM là bà Lê Thùy Anh, con của ông Lê Mạnh Thường – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp mới từ nhiệm thời gian qua.  

6 tháng đầu năm doanh nghiệp kinh doanh bết bát,  phía FTM cho biết do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã ảnh hưởng tới ngành sợ mà Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của Công ty khiến sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nếu quý II/2018 giá bán sợi ổn định quanh mốc 3,02 – 3,2 USD/kg thì quý II/2019 ghi nhân mức cao nhất là 2,85 USD/kg và giảm dần xuống 2,58 USD/kg.

Giá bông tồn kho cũng như các đơn đặt hàng có đơn giá cao trung bình từ 1,96 USD đẩy chi phí giá vốn của doanh nghiệp lên, thậm chí giá bông cuối quý giảm xuống 1,76 USD/kg cũng chỉ có thể đảm bảo mức lợi nhuận gộp dương.

Theo báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, tổng tài sản của FTM tại ngày 30/6 là 1.728 tỷ đồng với khoản mục hàng tồn kho tăng mạnh từ 146 tỷ đầu năm lên 368 tỷ kết thúc quý II. Doanh nghiệp phải đi vay nợ tới 720 tỷ đồng, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm âm 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 33 tỷ đồng. 

 

Bình An

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục