Có nợ mà không thể đòi

Vốn chiếm dụng của nhà cung cấp được coi là giải pháp của các doanh nghiệp (DN) theo kiểu tình thế trong thời buổi hiện nay. Đó là cách trả chậm, trả lâu, thậm chí không trả, dần dần thành nợ xấu, nợ không đòi được.

Nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định "vẫn có dòng tiền lưu chuyển lớn" nhưng đã bị đối tác, khách mua hàng nợ tiền, chiếm dụng vốn... Không thể thu hồi được công nợ, công ty khó có thể đạt được con số lợi nhuận đẹp như cam kết, càng không có tiền mặt để trả cổ tức.

Thu hồi công nợ đang là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn với Công ty CP Máy - thiết bị Dầu khí (PV Machino, có vốn điều lệ 386,3 tỷ đồng, là công ty con của Tổng Công ty Công nghệ năng lượng Dầu khí Việt Nam - PV EIC). Bởi theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013, công nợ phải thu toàn công ty PV Machino hơn 540 tỷ đồng, trong đó, hơn 458,6 tỷ đồng nợ phải thu từ công ty mẹ.

Có nợ mà không thể đòi - Ảnh 1

Đòi nợ - nhiệm vụ bất khả thi

Đáng chú ý, công nợ quá hạn là 433,4 tỷ đồng (chiếm 80,2% tổng số nợ), mà gần 70% số nợ này là của công ty mẹ (hơn 339,3 tỷ đồng). Công ty đã phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro công nợ quá hạn hơn 51 tỷ đồng.

Thu hồi nợ kém khiến kết quả kinh doanh năm 2013 sụt giảm, lợi nhuận trước thuế. Do các đối tác mua hàng của PV Machino thực sự gặp khó khăn, không có nguồn tiền trả nợ, hoặc chây ỳ không trả, khiến việc thu hồi công nợ rất vất vả. Do cách quản lý hợp đồng của mỗi công ty khác nhau, nghĩa là một công ty nào đó bằng mọi giá phải lấy được hợp đồng thì hai bên sẽ thỏa thuận lại về các điều khoản thanh toán hợp đồng. Thông thường thì với đối tác, khách hàng sau khi ký hợp đồng, người ta chỉ thanh toán trước khoảng 30%, còn 70% còn lại thì nhà cung cấp dịch vụ phải tự bỏ ra để thực hiện.

Công ty đã thành lập Ban thu hồi công nợ để rốt ráo đòi nợ, tiến hành phân loại, đánh giá xem con nợ nào còn khả năng trả nợ thì buộc phải "sống chung" vì "mình kiện, nó phá sản thì mình cũng chết luôn". Đơn cử như trường hợp một công ty nợ PV Machino 79 tỷ đồng, cam kết sẽ trả dần 2 tỷ đồng/ tháng và trả bằng 50% nợ còn lại bằng tài sản.

Chỉ khi con nợ mất khả năng thanh toán, phá sản thì công ty mới khởi kiện đòi nợ. Hơn nữa, hiện có một số vụ kiện đòi nợ của công ty đang phải tạm dừng do quá trình tố tụng có nhiều diễn biến phức tạp, vướng mắc…

Để xảy ra tình trạng bị lạm dụng tài sản trong giao dịch mua bán có phần lỗi chủ quan của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp dễ dãi trong giao kết, mà quên rằng, rủi ro đạo đức luôn có thể xảy ra, và với bản chất là giao kết kinh tế, căn cứ để tòa án hoặc trọng tài kinh tế giải quyết phải rõ ràng, rành mạch. Cho nên, việc “khai sinh" và tầm quan trọng của các hiệp hội, các câu lạc bộ ngành nghề là rất lớn, vì đây là nơi tốt nhất để các doanh nghiệp có thể chia sẻ với nhau về kinh nghiệm, kỹ năng để có thể quản lý tốt công nợ.

Trì hoãn nợ

Tình trạng nợ đọng, không trả nợ cho bên cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, dịch vụ… đang rất căng thẳng ở khối DN ngành xây dựng, đầu tư bất động sản. Bản thân các DN vừa là chủ nợ, vừa là con nợ của đối tác, khách hàng khác, dẫn tới số công nợ phải thu hồi rất lớn, vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Có nợ mà không thể đòi - Ảnh 2

Đơn cử như tại Tổng Công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), hết năm 2013, tổng các khoản phải thu từ khách hàng là hơn 5.890 tỷ đồng. Riêng các khoản nợ khó đòi đã buộc công ty phải trích gần 290 đồng dự phòng.

Tình trạng các DN nợ đọng lẫn nhau thực chất là hành vi chiếm dụng vốn, gây ảnh hưởng đến thanh khoản, cân đối tài chính của DN. Song thực tế, ít khi có chuyện DN kiện đòi đối tác vì có thể, họ cũng đang là con nợ ở nhiều chỗ khác, sợ dính đến pháp lý và "động chạm" quan hệ làm ăn…

Thiếu chế tài

Xa hơn thì các hiệp hội và tổ chức có thể đề xuất với các cơ quan chức năng để điều chỉnh chính sách nếu cần thiết. Ông Lương Duy Ngân – Chủ tịch hội đồng quản trị - Công ty Tâm Tâm Việt – TP. Nha Trang cho biết: “Khi đã có hợp đồng thì nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng đều hiểu được các điều khoản trong hợp đồng, chỉ có điều ở đây nếu để xảy ra trường hợp nợ quá lâu thành nợ xấu thì do cả 2 bên. Trường hợp thường xảy ra, hay bị lợi dụng là lấy lý do bên cung cấp dịch vụ không cung cấp dịch vụ đúng tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng, hay vì lý do nào đó... khiến khách hàng không hài lòng, bị khách hàng phản ánh lại dẫn đến tình trạng trả nợ chậm, thậm chí là không trả... bị coi là nợ khó đòi”.

Bàn về vấn đề này, ông Lý Trường Chiến – Chủ tịch Trí Tri Corp – Thành viên hội đồng tư vấn quốc tế ICMC (EU) cho biết: “Trước tiên, quản lý công nợ mà để tới nợ xấu thì trách nhiệm đầu tiên là do người chủ nợ không có cách lựa chọn các khách hàng, và cách quản lý quá trình thu hồi công nợ để phát sinh công nợ từ công nợ quá hạn thành khó đòi và trở thành nợ xấu. Tiếp theo là do các quy định về chính sách hiện nay trong chừng mực nào đó chưa được tuyên truyền đủ để cho người làm công tác kinh doanh hiểu biết và vận dụng nó và thậm chí có một vài trường hợp không rõ ràng thành ra việc vận dụng cũng có những khó khăn nhất định”.

Cũng phải nhìn nhận, tình trạng lợi dụng hợp đồng còn có nguyên nhân khách quan từ môi trường kinh doanh, thể chế pháp luật. DN “lừa” nhau nhưng không có chế tài xử phạt rõ ràng, vai trò của các hiệp hội kinh doanh còn mờ nhạt. Ngoại trừ một vài hiệp hội có kết nối hội viên thực sự, phần lớn chưa thực sự là cầu nối hợp tác kinh doanh, chia sẻ thông tin giữa các hội viên. Thực tế, có nhiều vụ lừa đảo liên hoàn mà doanh nghiệp không biết để đề phòng

Phạm Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục