Đã có 2 nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ xấu
Việc để các nhà đầu tư nước ngoài mua lại những khoản nợ xấu của Việt Nam là phương án từ lâu đã được các nhà lãnh đạo tính đến và hiện nay VAMC cũng đang cố gắng tạo điều kiện hết sức để các nhà đầu tư có thể mua được số nợ xấu này.
Hiển nhiên là với số nợ xấu lớn như hiện nay thì Việt Nam không thể tự giải quyết vấn đề một mình mà cần có nguồn lực bên ngoài, nhất là trong trường hợp mà các nhà đầu tư nội tỏ ra không mặn mà lắm với những khoản nợ xấu này.
Các nhà đầu tư ngoại ngoài việc có nguồn lực tài chính mạnh họ còn có những kinh nghiệm để xử lý vấn đề nợ xấu và một sự hậu thuẫn mãnh mẽ từ các quỹ quốc tế.
Thực tế cho thấy tính đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ có những tổ chức đầu tư nước ngoài thăm dò số nợ Việt Nam.
Mới đây nhất là 2 tổ chức Cushman & Wakefield (C&W) và Alvarez and Marsal (A&M) đã được VAMC ký kết hợp đồng bảo mật thông tin và xem xét hợp tác trong thời gian tới.
Ngoài ra để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu các khoản nợ, VAMC đã lên danh mục 10 tài sản bảo đảm, với tổng giá trị là 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương. Công tác khảo sát khu bất động sản, khu công nghiệp, bệnh viện, nhà chung cư, cao ốc văn phòng tại các thành phố VAMC vẫn đang tiếp tục khảo sát các tài sản để lên danh mục chào bán gửi tới các nhà đầu tư.
Vấn đề hiện tại là phải giải quyết được những vấn đề về pháp lý, thủ tục mua bán nợ, quyền sở hữu, chuyển nhượng bất động sản của người nước ngoài và các vấn đề về tranh chấp tài sản bất động sản hiện nay.
Một biện pháp được đề ra để thúc đẩy việc xử lý nợ xấu đó là việc hình thành thị trường mua bán nợ. Khi có thị trường thì cả nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin và những giao dịch phù hợp với mình.
Trong thị trường đó VAMC sẽ đóng vai trò chủ quản điều hành hoạt động thị trường. Tuy nhiên việc đầu tiên vẫn phải là sắp xếp và phân loại lại những khoản nợ đi đôi với với việc hình thành cơ chế để điều hành thị trường.
Việc bán nợ dự định sẽ được VAMC đấu giá vào tháng 6 với khoản nợ 390 tỷ đồng để thăm dò thị trường. Dự kiến, trong quý III năm nay, những khoản nợ đầu tiên sẽ được VAMC bán ra.
Không thiếu doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua nợ xấu của Việt Nam. Nhưng VAMC mới chỉ xem xét 6-7 doanh nghiệp trong số 60 doanh nghiệp này vì giá mà nhà đầu tư nước ngoài trả cho các khoản nợ thường rất rẻ.
Nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua nợ Việt Nam vớ giá rẻ
Có nên bán?
Cái lợi trước mắt nhìn thấy rõ nhất là sẽ làm giảm số nợ xấu trên thị trường trong thời gian qua. Ngân hàng và các doanh nghiệp sẽ thu hồi được vốn để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh. Ngoài ra khi bán nợ cho nước ngoài doanh nghiệp sẽ thu về số tiền thực chứ không phải là trái phiếu đặc biệt mà VAMC đang áp dụng trong thời gian qua.
Tuy nhiên ngoài những vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sở hữu bất động sản, trách nhiệm tái cấu trúc khoản nợ… thì vấn đề định giá bán nợ bao nhiêu cũng đang làm lãnh đạo của VAMC đau đầu.
VAMC đã mua lại những khoản nợ từ các ngân hàng với giá cao lên tới 70% giá trị sổ sách. Trong khi đó thì các nhà đầu tư nước ngoài lại chỉ đồng ý mua lại các khoản nợ chỉ bằng 1/3 giá trị - ông Nguyễn Quốc Hùng Chủ tịch VAMC cho biết. Với việc nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua nợ với giá bằng 20 - 40% giá trị các khoản nợ xấu thì rõ ràng sẽ rất thiệt hại cho phía ngân hàng và doanh nghiệp.
Đây cũng là lý do mà công tác bán nợ vẫn còn rất chậm chạp trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, VAMC và các tổ chức tín dụng mới thu hồi được trên 600 tỷ đồng nợ xấu.
Nếu trong tháng 6 đấu giá hết khoản nợ 390 tỷ đồng và ủy quyền thành công cho một số tổ chức tín dụng xử lý khoảng 500 tỷ đồng nợ xấu thì số nợ xấu được bán và thu hồi nợ trong 6 tháng đầu năm của VAMC cũng chỉ có thể đạt 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó số nợ xấu mà VAMC đang “ôm” lên đến 49.000 tỷ đồng và hết năm 2014 dự tính sẽ mua thêm 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.
NQ (Tổng Hợp)