Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam, cho rằng không hề có sự bắt tay thổi giá bất động sản.
Sau Tết, hàng loạt các dự án căn hộ đã đồng loạt ghi nhận sự tăng giá nhẹ tại hầu hết các phân khúc. Tại Hà Nội, một số dự án có vị trí tốt, đã hoàn thành hoặc sắp đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ (khoảng 2- 5%) so với năm 2013.
Mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố chỉ số giá chung cư ở 12 quận được khảo sát cũng cho thấy phần lớn chung cư từ bình dân đến cao cấp đều tăng giá nhẹ. Ở phân khúc chung cư cao cấp, giá tăng tốt nhất thuộc về các dự án thuộc quận Cầu Giấy khoảng 5%, tiếp đó là khu vực quận Thanh Xuân khoảng 2%. Đây cũng là 2 quận ghi nhận mức diễn biến tăng giá chung cư tốt nhất kể cả phân khúc trung cấp đến cao cấp.
Thực tế thị trường cũng cho thấy ở nhiều dự án đang mở bán, giá có xu hướng nhích lên. Có thể kể tới như chung cư cao cấp Discovery Cầu Giấy hiện đang thi công xây dựng thân, mặt bằng giá căn hộ tăng khoảng trên 10% so với năm ngoái, tương tự chung cư D’le Pont Dor Hoàng Cầu cũng tăng giá từ khoảng 35 triệu đồng/m2 lên gần 40 triệu đồng/m2; Ở phân khúc trung cấp như tại Helios Tower (Hai Bà Trưng), Diamond Blue (Thanh Xuân), CT2B Nghĩa Đô (Cầu Giấy),…mặt bằng giá căn hộ cũng đã nhích lên nhẹ so với năm ngoái từ 5% đến 10%.
Trước sự tăng giá của thị trường bất động sản, câu hỏi đặt ra là liệu có hay không sự bắt tay của chủ đầu tư và sàn giao dịch. Trả lời cho câu hỏi này, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam, cho rằng, Thị trường bất động sản luôn có sự tham gia của nhiều yếu tố, người bán và người mua. Chính vì vậy, không có một tổ chức lớn nào có thể thao túng về giá.
Giá bán là do thị trường quyết định. Chủ đầu tư và sàn không thể tạo ra cơn sốt sau một cơn ốm nặng như vậy được.Và các sàn làm phân phối cũng phải tìm kiếm nhu cầu thực của thị trường để phát triển.
Hơn nữa, hiện nhu cầu mua nhà để ở của thị trường rất lớn. Cuối năm 2014 và 2 tháng đầu năm, chúng tôi tiếp rất nhiều khách hàng có nhu cầu muốn mua nhà để ở. “Thị trường mới phục hồi, đang còn “ăn cháo” nên không có chuyện các sàn bắt tay với chủ đầu tư để làm giá. Việc này không khác gì bắt một người mới ốm dậy ăn xôi, điều đó có thể làm họ bị nghẹn”, ông Toản phân tích.
Về vấn đề này, tại buổi tọa đàm “Trên dưới 2 tỷ mua nhà: Như thế nào và ở đâu?" ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, sự bắt tay đẩy giá chung cư, nếu có, là hoạt động không chuyên nghiệp. Cùng với dấu hiệu ấm lên của thị trường bất động sản, hiện tượng một số chủ đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao hết mức có thể nên giao cho sàn đẩy giá cao, thậm chí một số sàn bán trực tiếp nhưng khách hàng tiếp cận nhân viên chào giá chênh 100 triệu đồng khiến cho người mua nhà không thể mua được nhà như giá chủ đầu tư đưa ra.
Trước thực trạng này, ông Quang cho rằng, hiện trên thị trường sau thời kỳ trầm lắng có sự tăng giá trở lại là bình thường nhưng tăng một cách bất thường là điều đáng lo ngại. Giao dịch của sàn và nhân viên môi giới từ trước đến nay khi thị trường ấm lên, giá chênh khi chủ đầu tư đưa ra giá cho nhân viên mô giới bán sản phẩm nhưng yêu cầu giá chênh ngoài hợp đồng là hoạt động thiếu chuyên nghiệp, không phù hợp với quy định của pháp luật, xảy ra ở các cá nhân môi giới không chuyên nghiệp - ông Quang nói.
Chính vì vậy, để giảm giá nhà, ông Quang cho rằng, Các doanh nghiệp bất động sản phải tăng cường việc áp dụng khoa học công nghệ, phải nâng cao hiệu quả về quản trị để tiết kiệm tối đa chi phí và giảm giá thành. Bên cạnh đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế minh bạch và bản thân doanh nghiệp cần ý thức được sự minh bạch như vậy giá cả mới được thể hiện rõ ràng và là cơ sở để giảm giá, đưa giá bất động sản về giá trị thực của nó.
Mặt khác, muốn giá nhà thấp xuống thì cũng cần minh bạch hơn nữa trong quá trình phân phối sản phẩm, tránh tình trạng thổi giá bất động sản, tạo khan hiếm giả tạo!
PV