9 tháng đầu năm 2019, nợ xấu tăng vọt
BCTC hợp nhất quý 3/2019 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây cho thấy, lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ tăng nhẹ.
Thu nhập lãi thuần 9 tháng đạt 2.973 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng gần 87% để lên mức 391 tỷ đồng lãi thuần. Hoạt động khác cũng tăng gần 27% khi đạt 158 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều giảm từ 7-21%.
Trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng gần 34%, lên mức 1.794 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 15%, chiếm 632 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý III/2019 của OCB
Về chất lượng nợ cho vay, 9 tháng đầu năm 2019, tổng nợ xấu nội bảng của OCB ở mức 1.778 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu kỳ. Trong đó, nợ dưới chuẩn tăng 50% lên 648 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng mạnh lên 453 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kì. Nợ có khả năng mất vốn của OCB tăng từ 676 tỷ đồng đầu kì lên 677 tỷ đồng.
OCB cũng ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,28% lên 2,62%.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2018, OCB có tới 1.288 tỷ đồng nợ xấu, tăng 49% hơn 863 tỷ đồng so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ 1,79% lên mức 2,28%.
Tỷ lệ nợ xấu của OCB vào cuối tháng 9/2019 và cuối năm 2018. (Nguồn: BCTC OCB).
Sẽ lại thất vọng kế hoạch lên sàn của OCB?
Mới đây nhất, tại diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020, Ông Lý Hoài Văn - Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết sẽ niêm yết cổ phiếu trong năm 2020.
"Với định hướng của Ngân hàng Nhà nước là 100% ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2020, OCB cũng đang trong lộ trình thực hiện", ông Văn cho hay.
Được biết, đã 3 năm liên tiếp OCB lên kế hoạch, hứa hẹn với các cổ đông sẽ chào sàn chứng khoán nhưng hết lần này đến lần khác đều khất hẹn.
Ảnh minh họa
Trước áp lực từ Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính, đến hết năm 2016, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Với kết quả kinh doanh khả quan, tín dụng tăng trưởng, các nhà đầu tư ngoại ào ào đổ bộ vào thị trường Việt Nam là một trong những cơ hội tốt giúp các nhà băng lên sàn.
Vì vậy, nhiều ngân hàng chọn năm 2018 là năm chào sàn chứng khoán và OCB cũng vậy. Kế hoạch lên sàn của OCB từng được chuẩn bị kỹ lưỡng và khá rầm rộ. Nếu đúng như dự kiến thì OCB sẽ là ngân hàng thứ 4 niêm yết trên HOSE trong năm 2018, sau HDBank, TPBank và Techcombank. Tuy nhiên, chuyện lên sàn của OCB chỉ là hứa hẹn suông.
Trước đó vào năm 2017, OCB cũng đã có kế hoạch niêm yết trên HOSE nhưng chưa triển khai được, vì vậy HĐQT tiếp tục trình cổ đông xem xét và thông qua tại ĐHĐCĐ 2018. Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi cuối tháng 3/2018, lãnh đạo OCB cho biết khả năng cao sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2018 và chậm nhất là khoảng thời gian cuối quý 3 - đầu quý 4 sẽ lên sàn.
Vậy nhưng, hết năm tài chính 2018, ngân hàng này vẫn 'biệt âm vô tín' trước sự kỳ vọng của cổ đông.
Đến ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 4/2019, chủ tịch Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB - cho biết, năm 2018 khi tháng 4-5 thị trường thay đổi rất lớn, trong bối cảnh một vài ngân hàng bán cho ngân hàng và chính thức niêm yết đã tạo cú sốc cho nhà đầu tư ngoại (lỗ khi thị giá giảm mạnh sau đó), dẫn đến việc OCB thận trọng đi sau thì khá bất lợi. Do đó, OCB năm 2018 đã quyết định lùi niêm yết và tiếp tục tìm kiếm đối tác.
Vị chủ tịch này còn trấn an sẽ cố gắng niêm yết trong năm 2019, với sự cố gắng rất cao của HĐQT nhiều khả năng sẽ không chậm trễ hơn nữa. Tuy nhiên, năm tài chính 2019 đã kết thúc, lời nói của lãnh đạo OCB đã không thành sự thật.
Nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng ngại lên sàn vì yêu cầu phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính. Đặc biệt là những ngân hàng có lợi nhuận thấp, nợ xấu cao sẽ không muốn công khai vì lo ngại ảnh hưởng hoạt động và giá cổ phiếu. Một ngân hàng nhỏ như OCB có lẽ cũng không ngoại lệ.
Dựa theo BCTC các năm và nhìn vào cơ cấu cho vay của OCB có thể thấy, mảng tín dụng của nhà băng này chủ yếu tập trung vào mảng cho vay ngắn hạn hay còn gọi là vay nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 (đã kiểm toán).
Báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 (đã kiểm toán).
Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của OCB đạt 106.413 tỷ đồng, 128 mạng lưới giao dịch, lợi nhuận đạt 1.943 tỷ đồng, xét về vị thế thương hiệu, đội ngũ CEO,... Những con số, chỉ tiêu trên so với trung bình ngành hiện nay còn là một khoảng cách khá xa.
OCB là một trong số những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chuẩn Basel II. Trong năm 2019, OCB đã hoàn tất việc phát hành gần 130 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên hơn 7.898 tỉ đồng.
Ngân hàng cũng đã công bố triển khai chào bán riêng lẻ gần 118,5 triệu cổ phần như đã được đại hội đồng cổ đông đã phê duyệt tại ngày 27/4/2019. Trong đó, Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) đã thực hiện đăng kí mua gần 87 triệu cổ phần trong số hơn 118 triệu cổ phần được OCB chào bán riêng lẻ. Ước tính giá trị giao dịch hơn 1.200 tỷ đồng.
Hà Phương