Xuất hiện tại buổi toạ đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" diễn ra chiều 6/6 tại FLC Sam Son Beach & Golf Resort, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh thu hút sự quan tâm bởi những câu chuyện từ bản thân ông sau hơn 15 năm theo đuổi lĩnh vực bất động sản.
"Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một sự kiện về bất động sản", câu nói của ông khiến nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên và kéo theo một tràng vỗ tay sau đó.
Đánh giá về vai trò của bất động sản, vị chủ tịch Tân Hoàng Minh không ngần ngại ví von ngành từng như "con ghẻ, con nuôi" của nền kinh tế trong khi có ảnh hưởng nhất định đến hàng trăm lĩnh vực khác. Trong nhiều lý do, ông Dũng cho rằng khung pháp lý hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển bất động sản tại Việt Nam.
Có những chính sách 20 năm chưa thay đổi, không phù hợp với thị trường. Ông dẫn chứng, có khu đất của Tân Hoàng Minh mua từ năm 2007, nhưng đến giờ vẫn chưa xây sau 14 năm chờ giải toả mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý.
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh phát biểu tại buổi tọa đàm 'Thăng trầm bất động sản 2010-2020"
Ngoài khung pháp lý, chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết, vấn đề tín dụng cho ngành bất động sản cũng còn nhiều bất cập. Theo ông, chính sách lãi suất, cho vay thay đổi quá nhanh. "Tại sao giá nhà lên cao trong 5-10 năm qua, nhiều người tưởng là thị trường, nhưng thực chất là sau 5 năm chính sách cho vay cũng thay đổi", ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Covid-19, nhiều ngân hàng có động thái giảm lãi vay cho doanh nghiệp song ông cho rằng nên ưu tiên cho các ngành nghề khác thay vì bất động sản. Thay vào đó, giải quyết các vấn đề thủ tục, cấp phép đầu tư với doanh nghiệp bất động sản còn quý hơn vàng.
"Tân Hoàng Minh vẫn ổn. 3 tháng không bán nhà, chúng tôi không sao, thậm chí giá nhà vẫn lên", ông Dũng nói và cho rằng một doanh nghiệp khó khăn chỉ 3 tháng mà phá sản hay kêu cứu là yếu kém, nên loại bỏ.
Một vấn đề khác cũng được chủ tịch Tân Hoàng Minh nêu ra đó là việc các doanh nghiệp bất động sản thành lập tràn lan như hiện nay rất nguy hiểm. "Nếu không có nhiều đất, không có chiến lược định vị thương hiệu thì không nên làm vì làm rồi thì cũng gặp rất nhiều khó khăn". Theo ông, nhà nước cũng không nên dễ dãi cấp giấy phép. Nên đưa ra điều kiện vốn để xem xét, để đào thải và chỉ để lại những doanh nghiệp lớn và có thực lực.
Lạc quan về thị trường, vị lãnh đạo này cho rằng bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng. "Hà Nội có trên dưới 1.000 toà nhà, là rất nhỏ so với Thượng Hải -Trung Quốc, Singapore có hàng trăm nghìn toà nhà", ông Dũng nói
Theo ông, tâm lý của người Việt Nam là muốn ở nhà riêng, nên nhu cầu với thị trường bất động sản rất lớn, nếu Chính phủ và các địa phương rút ngắn thời gian làm thủ tục, sát nhập những quy định gần nhau làm một, có thể tạo điều kiện để bất động sản phát triển. "Chúng ta không nhìn vào Covid-19 mà để buồn và thấy ảm đạm mà phải nhìn vào tương lai với tâm thế đi lên", ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, vị này đề xuất các doanh nghiệp cần phải có sự hợp tác, hỗ trợ với nhau, để phát huy sở trường của mỗi doanh nghiệp, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn.
PV