Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức

Chiều 23/10, sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 tuyên thệ nhậm chức.

Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức - Ảnh 1

Chiều nay, trước Quốc hội, Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.
Theo đó, 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Sau khi, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Ông nói: Trước cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi, Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức - Ảnh 2
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. 
Trước đó, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước.
Đầu giờ sáng, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về dự kiến nhân sự thành viên Ban kiểm phiếu. Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu. Trưởng Ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu.

Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

15.00’ chiều nay, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức.

* Trước đó, cuối phiên họp chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Căn cứ Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội; Điểm 4 Nghị quyết số 34 ngày 6/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao, giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức - Ảnh 3

Người dân cả nước đồng tình, ủng hộ

Theo TTXVN, bên lề phiên họp Quốc hội, các đại biểu thể hiện sự nhất trí cao với việc Quốc hội giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp lần này.

Các đại biểu Quốc hội phân tích, trước đây, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ cao nhất trong Đảng là Chủ tịch Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhận. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là Chủ tịch nước đầu tiên và giữ cương vị này đến tháng 9/1969. Như vậy, đây là giai đoạn lịch sử mà người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng đã đảm nhận chức danh đứng đầu Nhà nước.

Bày tỏ nhất trí cao với việc giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, đại biểu Phùng Văn Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng) cho rằng, đây là việc làm cần thiết, tạo thuận lợi cho quan hệ ngoại giao và trong công tác điều hành đất nước.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) vừa qua, Trung ương đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Tôi cho rằng sự tín nhiệm của Trung ương Đảng thể hiện kỳ vọng, sự đồng tình ủng hộ của người dân cả nước.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho hay, thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, được cử tri và các đại biểu rất quan tâm, mong đợi. Đại biểu cho rằng, vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia trong quá trình mở rộng quan hệ ngoại giao.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng trong điều kiện hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước là phù hợp và cần thiết. Theo đại biểu, trong vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng...

Nhiều đại biểu cho rằng, việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước đã được Hội nghị Trung ương 8 xem xét kỹ lưỡng. Theo các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của người đứng đầu Nhà nước. Nhìn từ góc độ công tác đối ngoại, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi. Khi người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu Nhà nước thì công tác lãnh đạo phát triển đất nước về kinh tế - xã hội nói chung sẽ thuận lợi hơn trong tình hình mới.

Các đại biểu cho rằng, người giữ cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phải là một tấm gương trong sạch, thực sự mẫu mực về đạo đức, phong cách, lối sống, có tầm nhìn chiến lược, biết quy tụ nhân tài. Với những gì Tổng Bí thư đã làm được trong thời gian qua, cử tri rất ủng hộ và tin tưởng rằng: Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện tốt để công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.

Theo Báo Chính phủ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục