Gom thêm 10 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 24,8%
Ông Bùi Pháp – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) vừa công bố thông tin đăng ký mua 7,5 triệu cổ phiếu từ ngày 13/9 – 12/10.
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch Hội đồng quản trị (Ảnh: DLG)
Trước giao dịch ông Bùi Pháp sở hữu hơn 66,7 triệu cổ phiếu DLG, tỷ lệ 22,29%. Nếu giao dịch thực hiện thành công ông sẽ nâng sở hữu tại Đức Long Gia Lai lên 24,8%. Ước tính ông Bùi Pháp sẽ chi ra khoảng gần 12 tỷ đồng để gom cổ phiếu DLG.
Ông Bùi Pháp sinh năm 1962, trình độ Chuyên viên Kinh tế. Từ năm 1995 - ngày 12/6/2007 ông là Giám đốc Xí Nghiệp tư doanh Đức Long Gia Lai. Giai đoạn từ ngày 13/6/2007-16/1/2010 ông nắm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Và từ ngày 17/1/2010 – nay ông là Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Bên cạnh chức vụ tại Đức Long Gia Lai thì ông cũng nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại 9 công ty khác, Chủ tịch Hội đồng thành viên tại 3 công ty khác và Ủy viên Hội đồng quản trị tại 1 đơn vị khác.
Diễn biến giá cổ phiếu DLG từ lúc lên sàn đến nay (Nguồn: VNDirect)
Cổ phiếu DLG niêm yết vào tháng 6/2010, sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2011 thì từ đó đến nay cổ phiếu liên tục lao dốc. Kết phiên 10/9 cổ phiếu DLG chốt ở 1.550 đồng/cp và ở vùng đáy thấp nhất trong vòng 9 năm qua.
Trước đó vào ngày 23/7 ông Bùi Pháp đã mua vào 2,5 triệu cổ phiếu qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Ở diễn biến ngược lại, trong khi ông Bùi Pháp liên tục gia tăng sở hữu thì ông Nguyễn Trung Kiên – cựu Tổng giám đốc Công ty đã bán 2,44 triệu cổ phiếu DLG vào ngày 23/7 để giảm sở hữu xuống còn 11.058 cổ phiếu bên cạnh quỹ Pyn Elite Funds của Phần Lan liên tục thoái vốn tại đây từ hơn 7% xuống còn 4,95% trong 3 tháng qua.
Cổ phiếu về đáy 9 năm, trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 doanh nghiệp lại bị Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục với khoản nợ phải thu 125 tỷ đồng vẫn chưa thể thu hồi cùng với các khoản nợ của Tập đoàn đều đã quá hạn thanh toán đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả.
Phía kiểm toán cho biết tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân cho Công ty. Các điều này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Công ty có thể sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện bình thường.
Ngay sau khi phía Kiểm toán đưa ra sự nghi ngờ về khả năng hoạt động của Công ty, phía doanh nghiệp đã phải lên tiếng trấn an cổ đông về các vấn đề kiểm toán đã lưu ý trong báo cáo tài chính, Đức Long Gia Lai khẳng định mọi hoạt động đều đang diễn ra bình thường, ổn định, dòng lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh nhiều năm gần đây vẫn dương.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững, để đảm bảo yêu cầu phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn mới, Công ty đang tiến hành cơ cấu lại hoạt động bao gồm: Cơ cấu ngành nghề, cơ cấu nhân sự và cơ cấu tài chính. Do đó, công ty đang thống nhất lại với các ngân hàng về việc cơ cấu kéo giãn nợ gốc, giảm một phần lãi vay để đảm bảo nguồn lực cho công ty đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Để củng cố niềm tin của nhà đầu tư thì ông Bùi Pháp cũng chia sẻ rằng sẽ đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, củng cố hoạt động điều hành, quản trị một cách tốt nhất, tăng cường sự tin tưởng, đồng hành của cổ đông, nhà đầu tư.
Ngay sau khi bị Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục thì nhân sự cấp cao của Đức Long Gia Lai cũng có sự thay đổi lớn. Cụ thể, Hội đồng quản trị Công ty vừa công bố quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Trung Kiên từ ngày 3/9/2019 chỉ sau 5 tháng nhậm chức.
Đồng thời Hội đồng quản trị cũng ra quyết định miễn nhiệm chức danh Kế toán trưởng với ông Trần Cao Châu từ ngày 3/9 và bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật với ông Châu từ ngày 3/9.
"Thoát xác" tại loạt doanh nghiệp - chủ đầu tư các dự án siêu chậm tiến độ
Thời gian qua thì Đức Long Gia Lai cũng thoái vốn thành công ở Đức Long Gia Lai Land, Đồng Phú Hưng và Vạn Gia Long về dưới 50%. Đây là đều là những đơn vị chủ đầu tư của các dự án siêu chậm tiến độ.
Theo Vietnamnet, dự án Western Park của Đức Long Gia Lai Land dự kiến dự án hoàn thành vào quý IV/2019, nhưng đến nay, Western Park gần như chưa có động tĩnh gì nhưng đã huy động vốn trên 300 triệu/căn theo hình thức đặt cọc.
Dự án Đức Long Newland của Đồng Phú Hưng theo mục tiêu hoàn thành quý II/2019 nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi động.
Dự án Dự án Elysium ở quận 7, TP HCM của Vạn Gia Long sau hơn 3 năm được cấp phép đầu tư thì hiện vẫn là bãi đất trống và cũng đã huy động vốn của khách hàng dưới hình thức đặt cọc trung bình trên 300 triệu/căn hộ. Và dự án cuối cùng cũng của Vạn Gia Long là Đức Long Golden Land dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018 nhưng chỉ mới xong phần móng và đã dừng thi công.
Khách hàng của Đức Long Golden Land đã đòi chủ đầu tư bồi thường tiền cọc và trả lãi phạt như thỏa thuận.
Theo công bố mới đây của Thanh tra TP HCM thì dự án Đức Long Golden Land đã đưa vào kinh doanh khi chưa đủ điều kiện.
Hoàng Kiều